GS.TS. Hoàng Quang Thuận được đề cử giải Nobel Văn học?

Google News

Có người quen hỏi tôi có biết GS.TS. Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông ở thành phố Hồ Chí Minh?

Có người quen hỏi tôi có biết GS.TS. Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông ở thành phố Hồ Chí Minh? Tôi bảo, không quen và cũng chẳng hề nghe về ông ấy hay các công trình khoa học của ông ấy, dẫu viễn thông-công nghệ thông tin là lĩnh vực mà tôi rất quan tâm và để ý theo dõi.
 

Họ bảo ông ấy được đề cử giải Nobel Văn học đấy! Văn học thì tôi mù tịt, nhưng sao nhà khoa học này lại được đề cử giải Nobel Văn học, tôi hỏi lại. Ông đúng là mù tịt về văn học thật, người kia đáp. Ông ấy là nhà thơ nổi tiếng đấy.

Sau lần bay về Hà Nội cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và được rủ đến nghe thơ của một “nữ sĩ” có thể làm lu mờ Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương, ít ra là về tốc độ làm đến mấy chục bài thơ trong một đêm, tôi đã phát hoảng rồi với các “thi sĩ” như vậy. Cho nên cũng chẳng quan tâm đến  GS.TS. Hoàng Quang Thuận và thơ của ông ta. Người quen bảo, thì cứ vào mạng mà xem.

GS Hoàng Quang Thuận
GS Hoàng Quang Thuận

Vào Google gõ “Hoàng Quang Thuận” ra ngay khoảng 140 ngàn đề mục. Lướt qua chẳng thấy nói gì về công trình khoa học của ông ta nhưng đầy rẫy các đề mục về thơ, về hội thảo thơ ông trên Sài gòn Giải Phóng, tạp chí Nhà văn, báo điện tử ĐCSVN, Công an Nhân dân với những lời ca ngợi lên tận mây xanh. An ninh Thủ Đô có bài “Hoàng Quang Thuận: Thơ Thiền dự giải Nobel”. Mít đặc về thơ nên tôi không dám lạm bàn về thơ ông, nhưng tò mò muốn biết ông làm thơ ra sao và ông được đề cử giải Nobel Văn học thế nào.

An ninh Thủ đô viết: “Hoàng Quang Thuận, một đêm làm 121 bài thơ đã được nhà thơ Dương Kỳ Anh kể lại rất ly kỳ”. Năng suất viết 121 bài một đêm, gấp hơn ba lần “nữ sĩ” nọ, thật đáng bái phục! Đó là chưa kể đến chuyện “rắn mào”, “nhập đồng”, “tiên giáng”.

Theo An ninh Thủ đô, “cả hai tập thơ của Hoàng Quang Thuận đều đã được gửi đi Thụy Điển tham dự giải Nobel Văn học. Nhưng đơn vị đề cử là… chứ không phải là tác giả. Ông bảo, … nếu được giải Nobel thì cũng thuộc về Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”. Như thế ông không những biết việc đề cử mà cũng hy vọng được giải Nobel dù cho có “khiêm tốn” coi nó thuộc về Thiền viện!

Hãy xem quy chế đề cử và chọn người được giải Nobel Văn học thế nào?

Không bàn đến quy trình chọn ở đây mà chỉ xét việc đề cử. Theo quy chế này, Ủy ban Nobel gửi thư mời đến các cá nhân có đủ tư cách và mời họ đề cử; những người đủ tư cách nhưng không được mời cũng có thể đề cử. Như thế chỉ các cá nhân mới đủ tư cách đề cử, các tổ chức thì không.

Ai là những người đủ tư cách? Theo quy chế này có bốn loại cá nhân đủ tư cách: (1) viện sĩ của Viện Hàn lâm Thụy Điển và các tổ chức quốc gia tương tự; (2) giáo sư văn chương và ngôn ngữ tại các đại học; (3) những người đã đoạt giải Nobel Văn học; và (4) chủ tịch các hội của các tác giả sáng tác văn học của một quốc gia.

Thông tin về người đề cử và người được đề cử được giữ kín trong 50 năm.

Tác giả bài viết, TS Nguyễn Quang A
Tác giả bài viết, TS Nguyễn Quang A

Nếu An ninh Thủ đô đưa tin đúng rằng “đơn vị đề cử là…” nếu có, cũng vi phạm quy chế. Không đơn vị nào có quyền đề cử cả. Các cá nhân đại diện cho hai đơn vị này không đủ tư cách theo quy chế của Ủy ban Nobel. Một sự thiếu hiểu biết vô tình hay cố ý?

Ở Việt Nam chỉ có các giáo sư văn chương và ngôn ngữ (loại thứ 2) và ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN (loại thứ 4) là những người có đủ tư cách mà thôi. Không rõ có ai nhận được giấy mời của Ủy ban Nobel không? Tôi tin là không. Có ai tuy không được mời nhưng vẫn gửi đề cử đến Ủy ban Nobel không? Chỉ họ mới biết và con cháu chúng ta sau 50 năm nữa.

Như thế có thể thấy chuyện ì xèo về việc “cả hai tập thơ… đều đã được gửi đi Thụy Điển tham dự giải Nobel Văn học” là hết sức không bình thường.

GS.TS. Hoàng Quang Thuận không dại để tự đề cử, vì nếu làm thế thì tự động bị coi là không đủ tư cách, cho nên viết “nhưng đơn vị đề cử là… chứ không phải là tác giả” thì cái dốt lộ nguyên hình.

Bài báo còn cho biết, “dù đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng GS.TS Hoàng Quang Thuận chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. “Tôi là một nhà khoa học”, đó là câu cửa miệng của ông với bạn bè thi hữu”.

Một người thật khiêm tốn!

Tôi phì cười nhớ lại một nhân vật trong bản thảo của tiểu thuyết “Dòng đời” mà tác giả Nguyễn Trung đã cho tôi đọc. Anh hỏi tôi có nhận ra ai không. Tôi quá biết nguyên mẫu của nhân vật đó: một nhà khoa học, giáo sư viện sĩ hẳn hoi, trở thành nhà chính trị. Tác giả mô tả đặc trưng nhân vật ấy thật khéo. Ông ấy cực giỏi: trước các vị lãnh đạo chính trị ông luôn nhận mình là nhà khoa học, dùng công thức toán và sơ đồ chứng minh sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội; trước các đồng nghiệp khoa học ông coi mình là nhà chính trị.

Ngẫm về các “nhân tài” như vậy mà não ruột!

(Theo Nguyễn Quang A / Lao Động)

Bình luận(0)