GS Hồ Ngọc Đại: “Tôi thấy thương và tội cho phụ huynh”

Google News

Tôi thấy thương và tội cho PHHS. Đáng lẽ nhà trường phải là nơi mong muốn, mời gọi họ đến chứ không phải cảnh khốn khổ như thế này.

(Kienthuc.net.vn) - Nhân vụ việc phụ huynh thức đêm, xô đổ cổng để xin cho con vào học Trường tiểu học Thực nghiệm (thuộc Viện KHGDVN), Kienthuc.net.vn đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Hồ Ngọc Đại.

Trước cảnh hàng trăm phụ huynh xô đẩy đổ cả cổng trường chỉ  để xin cho con họ được vào học trong nhà trường của mình, với tư cách một nhà giáo dục, thầy thấy thế nào?

GS Hồ Ngọc Đại

Tôi thấy thương và tội cho phụ huynh học sinh. Đáng lẽ ra nhà trường phải là nơi mong muốn, mời gọi họ đến chứ không phải cảnh khốn khổ như thế này.

Phụ huynh phải là người được phục vụ, được tiếp đón một cách trân trọng cũng như con cái họ đương nhiên phải được đi học và có quyền được hưởng một nền giáo dục hiện đại. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, thật buồn khi họ phải cam chịu và chấp nhận.

Thầy không thấy vui sao?

Trong rất nhiều nỗi buồn có một niềm an ủi nho nhỏ. Đó là mô hình nhà trường tiếp tục được các phụ huynh học sinh thừa nhận trên thực tế. Người dân vốn chân chất, thật thà nên tôi thấy lạc quan khi phụ huynh luôn muốn tìm chỗ tốt cho con em họ.

Chứng kiến cảnh này, nhiều người cho rằng cần phải “thực nghiệm” luôn cả cách đi xin học cho con và đặt câu hỏi tại sao nhà trường không áp dụng phương pháp nộp đơn điện tử?

Đúng là mấy chục năm nay, nhà trường vẫn áp dụng phương pháp nộp đơn trực tiếp như thế này và có lẽ cũng đã đến lúc phải thay đổi bằng cách nộp đơn điện tử vì như thế sẽ tiện dụng, thuận lợi hơn cả cho nhà trường và phụ huynh. 

Đạp đổ cổng trường để xin học cho con. Ảnh VnE

Hiện đang có một nghịch lý là trong khi nhiều trường đại học "ve vãn”, mời gọi sinh viên thì ngược lại, ở cấp tiểu học lại là cảnh chạy chọt, chen lấn xô đẩy. Theo giáo sư, hiện tượng này nói lên điều gì?

Trước hết, cần phân biệt giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là hai lĩnh vực khác nhau đặc biệt là ở mục tiêu. Giáo dục phổ thông gắn liền với phúc lợi nhân dân. Nếu trước đây có tỉ lệ 95% dân cư thất học thì họ vẫn duy trì được một cuộc sống bình thường thì giờ đây chỉ để được sống cuộc sống bình thường, 100% dân cư phải đi học.

Giáo dục phổ thông hiện đại như trời cho ánh sáng, nước, không khí. Đó là những thứ rất thiết thân nhưng người sử dụng lại không phải trả tiền cho ánh sáng, không khí. Nếu có phải trả thì cũng chỉ trả như tiền nước.

Đáng lẽ giáo dục phổ thông phải miễn phí hoàn toàn. Còn hiện nay thì miễn phí được phần nào hay phần ấy, nhưng ít nhất nên miễn phí đối với tiểu học. Chỉ cần bớt đi vài vụ tham nhũng là đã có thể làm được điều này cho giáo dục.

Còn giáo dục ĐH là học để kiếm sống. Học để có thể tạo ra hàng hóa bán được qua đó nuôi sống mình và gia đình. Ý nghĩa của nó tương tự như đi học làm thợ mộc, thợ nề.

Do vậy, trả tiền để học là công bằng. Nó cũng giống như anh làm kinh doanh phải có tiền ứng trước.

Các trường ĐH đầu tư thì họ cũng phải thu lại. Tuy nhiên phải sòng phẳng vì sinh viên là người đi mua hàng, anh mua rẻ bán đắt thì sinh viên không mua, lỗi là của chính các trường. Cái gì cũng có giới hạn của nó, giống như lò xo, kéo quá giới hạn thì nó mất luôn tính đàn hồi.

Như vậy là thầy muốn nhấn mạnh sự sòng phẳng trong giáo dục? 

Điều kỳ lạ là mua hàng hóa ngoài xã hội thì sòng phẳng nhưng mua bán kiến thức hiện nay lại không hề sòng phẳng.

Xin cảm ơn thầy!

Vũ Chương

[links()]

Bình luận(1)

Minh Hiền

Dương Tú Em

Lớp Một (cũng như bậc Tiểu học) là lớp mà ở bất cứ quốc gia nào, Nhà nước khuyến khích để không xảy ra tình trạng nhân dân thất học, riêng ở Việt Nam có ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5 tháng 9, và tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp Một được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả giáo dục của một địa phương, một quốc gia. Xem cảnh của Trường thực nghiệm giáo dục thấy buồn lòng quá. Quốc sách hàng đầu, mục tiêu dân giàu nước mạnh làm sao bảo đảm khi ngưỡng cửa đầu tiên bước vào nền giáo dục lại khó khăn, phức tạp đến thế.