Giáo viên không “ăn” được chữ cao quý

Google News

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm về vấn đề tách lương của giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp.

- Nhân Hội nghị T.Ư lần thứ 6, Liên hiệp Hội KH&KT Hà Nội đã gửi tới 6 kiến nghị về giáo dục. Trong đó có vấn đề tách lương của giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội KH&KT Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng xung quanh vấn đề này.

Xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương


Thầy nghĩ thế nào về việc tách lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp?

Về lương của giáo viên có mấy vấn đề: Thứ nhất là quan niệm của chúng ta về lao động của nhà giáo như thế nào để trả lương cho thoả đáng. Lương cao hơn tất cả thì chắc là khó vì cao nhất cũng chỉ bằng quân đội, công an, nhưng đó là lương xương máu. Thứ hai là nếu đã coi giáo dục là quốc sách, là điểm tựa để đi đến tương lai, để giải quyết vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giải quyết vấn đề nhân lực chất lượng cao... thì phải giải quyết vấn đề lương giáo viên trước.

Tức là hiện nay chúng ta chưa đánh giá đúng lao động của nhà giáo?

Chúng tôi đã kiến nghị phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể nói chung được. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của học trò, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách. Cái đó thì không có máy móc nào thay được người thầy. Người ta đã tổng kết rằng, một nền giáo dục không thể vượt được tầm của ông thầy. Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hoà... Chất lượng cao là phải ở chất lượng của thầy.

Thì từ trước đến nay chúng ta vẫn đánh giá nghề giáo là nghề cao quý đấy chứ?


Đó là xã hội vẫn gán cho mấy cái chữ đẹp thế thôi. Chứ giáo viên không "ăn được" chữ cao quý đấy. Cái quan trọng là làm thế nào để các trường học được trả lương cho thầy giáo theo những lao động hiệu quả thực tế. Lương hiện nay chỉ xếp theo giờ dạy chuẩn, nhưng công tác giáo dục, ngoại khoá, đoàn đội, chủ nhiệm... cũng phải được trả tiền.
 
Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng làm chủ nhiệm là phải được trả 1,5 - 2 triệu đồng. Chứ nếu trả tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng thôi. Một tuần chỉ gặp học sinh vài ba lần. Còn giáo viên của tôi thì suốt thời gian học sinh ở trường, họ phải có mặt ở đấy, xảy ra việc gì là phải nắm được, phải giải quyết. Lao động của người thầy giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương.

    TS Nguyễn Tùng Lâm,  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội KH&KT Hà Nội.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội KH&KT Hà Nội.

Dạy thêm tai hại lắm, phải chống đến cùng!


Và vì không đãi ngộ xứng đáng mà ta không lấy được người giỏi vào sư phạm?


Lao động của thầy giáo không chỉ là trí tuệ mà là lao động bằng chính nhân cách, bằng sự yêu thương, nhạy cảm của họ với con người. Không phải ai cũng trở thành nhà sư phạm được. Chúng ta cứ nghĩ là chỉ cần nhúng qua trường sư phạm là thành nhà giáo. Đâu có. Người thầy giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng là họ dẫn dắt học sinh đi đến đâu, tạo cho học sinh động lực gì để học. Không có động lực thì chỉ là học hình thức, học qua quýt.
 
Chính người thầy đem ngọn lửa nhiệt tình của mình, đem hiểu biết của mình gieo vào tâm hồn trẻ. Tất cả những cái đó phải được huấn luyện, được đào tạo, chọn lọc. Trường tôi không lựa chọn đầu vào nhiều, nhưng thành công hơn 20 năm nay vì chúng tôi có đội ngũ những người thầy tâm huyết, có phương pháp sư phạm để lôi cuốn học sinh.

Thầy có cách gì để có được những giáo viên tâm huyết?

Càng người giỏi, càng được học sinh tôn vinh thì lương càng phải cao. Tức là hệ lương của giáo viên phải được đo bằng công việc và hiệu quả cống hiến của người ta. Tiêu chí đánh giá giáo viên là tín nhiệm của học sinh. Mỗi học kỳ chúng tôi lấy phiếu tín nhiệm một lần, ai có tỷ lệ bao nhiêu thì có tiền thưởng tương ứng. Chứ không dựa vào tiêu chí dạy giỏi theo kiểu diễn một giờ dạy là xong. Đánh giá của học sinh là đúng nhất. Nếu một giáo viên giỏi, được học sinh tín nhiệm thì hệ số lương của họ phải khác. Và nếu thế cần gì phải đi dạy thêm nữa. Dạy thêm tai hại lắm, phải chống đến cùng!

Anh dốt, anh kém, suốt đời lẹt đẹt thì...

Tôi nghĩ dạy thêm cũng là một tiêu chí để đánh giá giáo viên chứ? Vì anh dạy giỏi thì mới có nhiều học sinh?

Có hai loại giáo viên dạy thêm. Loại thực sự có năng lực giỏi để luyện thi đại học thì học sinh tìm đến. Nhưng loại thứ hai, phổ biến nhất, là dùng cách này hay cách khác để ép học sinh phải học thêm. Đó là ông thầy mất nhân cách. Tại sao không khuyến khích người ta dạy giỏi để trả lương thật cao. Chúng ta phải mạnh dạn cải tiến tiền lương theo hướng đó. Phải làm như vậy để không được cào bằng. Anh dốt, anh kém, suốt đời lẹt đẹt trong cái thang lương đó thì một là anh phải chuyển ngành, hai là trường phải đào thải.
 
Với giáo viên phải đi đúng 4 bước: Tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Và trong tuyển chọn phải có thải loại, dám bỏ những người không phù hợp. Ngành giáo dục càng loại trừ tốt bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Không thể nhân đạo với một người mà vô nhân đạo với rất nhiều thế hệ.

Đã ít người vào ngành sư phạm mà lại loại như thế thì còn ai dạy học nữa, thưa thầy?

Phải có cách loại chứ. Chúng ta đặt ra yêu cầu như thế này đối với giáo viên, rồi đưa người ta đi bồi dưỡng. Theo tôi 5 năm phải đào tạo lại 6 tháng. Phải chia nhau ra. Tôi đảm bảo là chỉ sau 3 năm là có đội ngũ giáo viên giỏi, tử tế. Nếu trả lương thoả đáng và được đào tạo lại, giáo viên lại biết yêu cầu của ngành thì họ sẽ thực hiện theo. Còn ai không phấn đấu được, ai không phù hợp với nghề thì phải chịu. Sử dụng và đãi ngộ phải đi với nhau.

Nói thế tức là hiện nay chúng ta chưa đặt ra các yêu cầu của ngành đối với giáo viên?

Không thể nói là chưa đặt ra mà là chưa rõ ràng. Ta chỉ nói chung chung là dạy tốt, rồi chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng... đều có hết. Nhưng cái chuẩn đó được áp dụng vào thực tế như thế nào, đánh giá ra làm sao... và quan trọng là có tạo ra động lực cho giáo viên làm việc hay không? Tất cả những cái đó chúng ta chỉ làm hình thức cho đủ thôi chứ không tạo động lực cho giáo viên, thế nên mới có hệ quả giáo dục như hiện nay.

Cũng như mục tiêu, triết lý giáo dục... có cả rồi, nhưng giáo dục vẫn cứ lạc hậu?


Rất nhiều cái chúng ta nói đúng, nhưng cuối cùng không thực hiện được. Vì lời nói không có cơ chế để hành động đi theo.

Xin cảm ơn thầy!
Chúng ta đang bàn về cải cách giáo dục, rất nhiều thứ nhưng chưa biết bao giờ mới làm được. Và ngay một lúc không ai lật nhào lên được. Nhưng cái cú hích để làm cho giáo dục thay đổi chính là đổi mới cách thi. Quan điểm của tôi là 2012 - 2013 phải làm luôn. Chúng ta hiện nay học là để đối phó với thi. Thế thì nhân cách con người ở đâu. Trước hết là nhập thi tốt nghiệp THPT và thi đại học. Đấy là cái trước mắt, còn lâu dài là phải thay đổi cơ chế quản lý của ngành giáo dục.
 
Nhật Minh (Thực hiện)
 
Bài đọc nhiều:

Bình luận(0)