Giáo viên cần biết xin lỗi

Google News

Không kiềm chế được những phát ngôn quá đà, sai sót trong chấm điểm, nhầm lẫn trong bài giảng… tất cả đều cần ở giáo viên một lời xin lỗi.

- Không kiềm chế được những phát ngôn quá đà, sai sót trong chấm điểm, nhận xét học trò, nhầm lẫn trong bài giảng… tất cả đều cần ở giáo viên một lời xin lỗi. Tuy nhiên, văn hóa xin lỗi của các thầy cô trong nhà trường hiện nay vẫn được xem là cái gì đó quá xa xỉ.

Hiếm thấy cô xin lỗi
[links(left)]Sinh viên Lê Kim Oanh, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: Nhiều lần giáo viên có sai sót trong kiến thức như ghi công thức sai, nhớ sai tên tác giả... nhưng không bao giờ em thấy thầy cô xin lỗi mà chỉ lặng lẳng bảo bọn em sửa lại nếu ai đó phát hiện ra cái sai của thầy cô. Trong khi đó, nếu chúng em sai thì ngay lập tức bị trừ điểm.

GS Hồ Ngọc Đại, chuyên gia giáo dục thực nghiệm chia sẻ: Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc dạy sai kiến thức của một cô giáo dạy văn về món “canh gà Thọ Xương” trong một bài ca dao về cảnh đẹp Hồ Tây, Hà Nội. Thực hư tới mức độ nào, không ai dám quả quyết, bởi bây giờ ngay một số học sinh cũng không dám chắc cô giáo mình có dạy như thế hay không. Nhưng chắc hẳn, cô giáo đó sẽ suy nghĩ và day dứt nhiều về nghề. Việc cô xin lỗi học trò trong tình huống này là chuyện đương nhiên phải làm. Nhưng giả sử vụ việc không bị phát hiện, liệu có mấy giáo viên dám thẳng thắn đứng lên nhận lỗi trước học trò?

Cô Huỳnh Minh Anh, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ, nghề giáo có hàng trăm thứ áp lực. Làm sao để bài giảng hoàn thiện nhất, làm mọi việc vì tâm huyết với nghề, dạy bằng niềm đam mê hết mình... trong khi cuộc sống thường ngày vẫn phải mưu sinh là việc rất khó. Với những chuyện nhỏ hàng ngày như lỡ nhớ sai công thức toán, sai niên đại lịch sử... thì có thể xin lỗi. Còn vì sao giáo viên lại ít xin lỗi, liệu có phải vì họ luôn đúng? Thực ra không phải vậy. Một phần là họ lo sợ xin lỗi là nhận về mình cái thế yếu, không răn đe được học trò, phần khác là bởi nó như một “phong trào” khi mà không ai nói lời xin lỗi học trò thì cũng rất khó để mình làm việc đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hãy làm gương

Theo TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Đại học Quốc gia TPHCM, giáo viên nói lời xin lỗi, trước học sinh, thực ra là rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là giáo viên không thể làm được. Và nếu làm được, học trò sẽ nhớ rất lâu, coi người thầy như là tấm gương để sống chân thật với cả chính lỗi lầm của mình.

Trong môi trường sư phạm nói riêng và trong xã hội nói chung, cần biết bao sự xám hối, ăn năn và lời xin lỗi... khi mỗi chúng ta mắc phải. Trong những bài giảng dạy cho học trò, giáo viên cũng cần thể hiện tư cách mẫu mực của người thầy. Ở đây không chỉ là kiến thức, mà còn là qua ứng xử của giáo viên để định hình nhân cách học trò. Vì thế, nếu giáo viên “lờ đi” lỗi của mình, hoặc tỏ ra mình là bề trên, có quyền thích nói và làm gì thì làm, học sinh không được cãi lại, thì chúng cũng sẽ học theo giáo viên như thế. Tóm lại, một lời xin lỗi là cần thiết. Và nếu có kỹ năng, lời xin lỗi đó cũng rất nhẹ nhàng.

TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, thầy cô phải làm gương cho học sinh về "văn hóa xin lỗi". Không khó khăn gì khi cô giáo có thể nói một cách chân thành và mang tính tâm sự với học sinh. Giáo viên chủ động xin lỗi sẽ thể hiện thiện chí, sự tôn trọng của mình với học sinh. Có thể làm lời xin lỗi nhẹ nhàng hơn bằng những nụ cười thiện chí, giọng điệu chia sẻ. Ví dụ như “Cô có chút nhầm lẫn về giai đoạn lịch sử. Có em nào phát hiện ra không nhỉ? Cô xin lỗi cả lớp về nhầm lẫn này, hy vọng sẽ có nhiều em phát hiện giúp cô những sai sót nếu có”...

Bài văn "canh gà Thọ Xương là món ăn" được điểm 8.
Bài văn "canh gà Thọ Xương là món ăn" được điểm 8.
Ở góc độ giáo viên, cần hiểu rằng lời xin lỗi không làm giảm giá trị hay cái uy của mình. Nếu biết vận dụng, nó còn là một công cụ hữu hiệu để kéo gần khoảng cách với học trò. Qua lời xin lỗi, học trò sẽ thấy gần gũi, thân thiện với thầy cô hơn; cũng như chủ động chia sẻ với thầy cô nhiều hơn.
Hà Phan
[links()]

Bình luận(0)