Chuyên gia góp ý cải tạo nút giao thông Thủ Đức, TPHCM

Google News

Ngã tư Thủ Đức là điểm giao cắt quan trọng trong hệ thống các đường vành đai 1, 2 và trục xuyên tâm nối dài đại lộ Đông Tây của TPHCM.

- Ngã tư Thủ Đức là điểm giao cắt quan trọng trong hệ thống các đường vành đai 1, 2 và trục xuyên tâm nối dài đại lộ Đông Tây của thành phố. Mặt khác, song song với đoạn xa lộ Hà Nội đi qua nút giao thông này sẽ có tuyến tàu điện ngầm đi qua. Vì vậy, khi thiết kế và cải tạo lại nút giao thông này, cần tính đến các yếu tố mang tính chiến lược lâu dài của hệ thống các đường vành đai, trục đường xuyên tâm Đông Tây và hệ thống tàu điện ngầm đi qua.

Mô hình bố trí cầu vượt nút giao thông Thủ Đức.
Mô hình bố trí cầu vượt nút giao thông Thủ Đức.

Khi thiết kế nâng cấp nút giao thông này, cần phải tính đến khả năng tăng lưu lượng và mật độ xe cộ trong tương lai lâu dài, các yếu tố của quy hoạch vùng, quy hoạch giao thông và do vậy, cần làm theo nhiều giai đoạn khác nhau có tính kế thừa và phát triển. Việc thành phố tiến hành xây cầu vượt tại ngã tư này với nhiều phương án khác nhau cần phải được xem xét đánh giá một cách khoa học và thận trọng.

Về phương án cầu vượt bằng thép vĩnh cửu 8 làn xe dọc theo xa lộ Hà Nội (2 giai đoạn): Địa hình thực tế tại nút giao Thủ Đức gần như là đỉnh dốc lồi trên xa lộ Hà Nội. Khi làm cầu vượt sẽ sẽ làm tăng độ dốc khai thác, có thể lên đến trên 4 - 5%, các loại xe khác nhau phải leo một đoạn dốc dài từ hai phía.
 
Khi đi qua ngã tư Thủ Đức lại phải leo thêm một độ dốc mới này của cầu vượt, làm gia tăng sức cản leo dốc, làm tăng tiêu hao nhiên liệu, tăng ô nhiễm môi trường và giảm tính ổn định dọc của xe, giảm tính an toàn chuyển động. Do vậy, làm giảm năng lực vận hành và khai thác của phương tiện, nhất là khi lưu lượng xe cộ qua hướng này là chủ yếu (75%).

Phương án nút giao thông lập thể và hầm chui - cầu vượt là một phương án khác cũng của TPHCM đưa ra. Nút giao này được thiết kế dạng lập thể với hệ thống hầm vượt 8 làn xe dọc theo xa lộ Hà Nội và cầu vượt nằm trên đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân đi bên dưới tuyến tàu điện Bến Thành - Suối Tiên có lẽ là hợp lý hơn về mặt chuyển động của xe cộ về lâu dài (địa chất nơi này rất tốt, là đỉnh dốc nên thoát nước cũng thuận lợi cho hầm).
 
Tuy nhiên, phương án này chiếm dụng diện tích lớn, rất khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng không phải vì thế mà không làm vì những công trình này có tuổi thọ trên 100 năm, do vậy phải phù hợp với quy hoạch lâu dài, vĩnh cửu.

Để có thể làm được phương án này, nên phân kỳ ra làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 làm  cầu vượt từ Lê Văn Việt sang Võ Văn Ngân rộng 9m, 4 làn xe (mỗi bên 2 làn xe). Làm các đường dẫn và đường rẽ phù hợp. Đồng thời bắt đầu tiến hành giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 2.
 
Giai đoạn 2 sau khi giải phóng mặt bằng xong, tiến hành làm hầm chui 4/8 làn xe dọc theo xa lộ Hà Nội và làm tiếp các đường dẫn, đường rẽ phù hợp.
 
Giai đoạn 3 tiến hành làm tiếp hầm chui 4/8 còn lại để hoàn chỉnh hầm chui 2 chiều 8/8. Tùy theo quy hoạch và giải phóng mặt bằng, có thể làm thêm 1 cầu vượt song song cầu vượt cũ Lê Văn Việt sang Võ Văn Ngân, để có thể làm 2 chiều độc lập cho hướng này.
Không thể vì thời gian xây dựng và khó khăn trước mắt mà chọn phương án dễ để sau này không đáp ứng nhu cầu khai thác, sửa chữa rất khó khăn và tốn kém. Chúng tôi cho rằng các cấp thẩm quyền cần có những nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng rồi quyết định trước khi quá muộn.
 
PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường Đại học Bách khoa TPHCM)
 
Bài đọc nhiều:
 

Bình luận(0)