Căng thẳng giống… lít xăng ký dầu

Google News

"Chộp giật" vài lít xăng theo giá chưa tăng, để rồi ai kịp đổ trước "giờ G", hôm sau có thể có quyền "cười vào mũi bọn chậm chân".

(Kienthuc.net.vn) - Lâu nay ta thường nói vui với nhau: “bình thường như cân đường hộp sữa”, nhưng giờ nên thêm “căng thẳng giống lít xăng ký dầu”.

Cách nói “sì-tai”, dài dòng văn vở này cuối cùng cũng chỉ để hàm một ý đã nói từ hai chữ: Bình thường.

Nhưng, chuyện xăng dầu thì căng thẳng.

Chiều tối, trên đường đi làm về, nhà cháu ghé đổ xăng. Cô bé bơm xăng “théc méc”: Sao nãy giờ toàn người kêu là “đổ đầy bình” thế?

Nhà cháu giật mình.

Ảnh minh hoạ

Không nhẽ “tính toán và dự báo” của một công ty Chứng khoán rằng: “Trong vòng vài ngày tới, giá xăng có thể tăng lần thứ hai trong vòng một tháng, với mức tăng từ 600 - 1.000 đồng/lít lại “linh nghiệm ngay tức thời thế sao?”

Nhưng chuyện đó đã từng xảy ra: “Được biết, chiều 20/7/2012, công ty Chứng khoán này đã đưa ra dự báo giá xăng dầu có thể tăng. Đến 22h cùng ngày, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối công bố tăng giá từ 300 - 400 đồng/lít”.

Ngẫm mà...

Trước thông tin xăng dầu sẽ tăng giá, người Việt chỉ biết “chộp giật” vài lít xăng? Để rồi ai kịp đổ trước “giờ G”, hôm sau có thể có quyền “cười vào mũi bọn chậm chân”. Tất nhiên, “bọn í” chỉ biết dậm chân kêu Trời, vì “bị bất ngờ”. Mà cái “bọn í” thì đông lắm.

Đợt gần nhất, cách đây gần hai tuần, đến báo chí còn bị bất ngờ cơ mà, cứ xem “tai-tồ” khắc rõ: “Giá xăng bất ngờ tăng 400 đồng/lít” rồi thì “Giá xăng bất ngờ tăng 400 đồng từ 22 giờ tối 20/7”. Chỉ có một, hai tờ báo là “ngắn gọn” thon lỏn với “tai-tồ”: “Xăng tăng 400 đồng/lít”.

Trên thế giới, khi không đồng tình với việc chính phủ tăng giá xăng dầu, dân chúng có thể có quyền bày tỏ ý kiến. Và đó là chuyện “hết sức bình thường”.

Hỏi “bác Gúc” bằng cụm từ “phản đối xăng tăng giá” (bằng tiếng Việt thôi) trong khoảng 0,18 giây được 7.280.000 kết quả. Báo chí của ta cũng đưa đầy rẫy các tin ấy. Ở các nước ấy, đó là một chuyện “rất bình thường”.

Nhà cháu “ấn tượng” với một tin trên một tờ báo: “Indonesia: Nhiên liệu “đốt nóng” chính trường”. Ở ngay một nước láng giềng thuộc ASEAN, chuyện nó là bình thường.

Và chính phủ của Tổng thống S.Yudhoyono, dù “không chịu nổi gánh nặng trợ giá nhiên liệu vốn đã chiếm tới 11% ngân sách nhà nước trong năm 2011” nên “quyết tâm theo đuổi kế hoạch tăng giá xăng bằng mọi giá khi đưa ra mức tăng giá xăng từ 4.500 rupiah/lít lên 6.000 rupiah/lít (tương đương 13.000 VND/lít) kể từ ngày 1-4”. Tức là căng thẳng lắm cho vấn đề ngân sách của Nhà nước bạn rồi.

Nhưng,…

Gặp phải phản ứng gay gắt của người dân, “Quốc hội Indonesia bác bỏ kế hoạch tăng giá nhiên liệu do Chính phủ đề xuất vào phút chót”, “kế hoạch tăng 33% giá nhiên liệu kể từ ngày 1/4 của Chính phủ Indonesia... đã không thể trở thành hiện thực”.

Có ông bạn nói vui: “Cứ nhìn vào cách thở dài của người dân khi đi đổ xăng mới biết dân Việt Nam ta còn thông cảm cho Chính phủ lắm”.

Cho dù sau đó trên báo chí, có rất nhiều bài phê phán cách điều hành của Bộ Công Thương.

Ví dụ như bài “Xăng dầu lại “lăm le” tăng giá” có đoạn phân tích: “Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa nói, Nhà nước vẫn phải kiểm soát, không để doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu cũng được mà mức giá điều chỉnh phải phù hợp với biến động của chi phí đầu vào. Tuy nhiên, điều mà người dân đang thấy nhãn tiền: giá xăng đang lăm le tăng”.

Hay như bài “Xăng dầu rục rịch tăng giá” cũng có đoạn: “Bình luận về khả năng các doanh nghiệp sẽ “bất ngờ” tăng giá mặt hàng xăng dầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: “Việc doanh nghiệp muốn tăng giá xăng hiện nay nếu trong biên độ cho phép thì hoàn toàn là quyền của doanh nghiệp, vì Bộ Tài chính cũng đã cho phép họ được quyền định giá với biên độ và tần suất như quy định tại Nghị định 84/CP kể từ tháng 6.2012”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền - thành viên Hội đồng tư vấn kinh tế thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ nhận xét về việc tăng giảm giá bán của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rằng: “Việc điều chỉnh giá lần nào của doanh nghiệp cũng đều đẩy người mua vào thế phải chấp nhận”.

Trước việc giá xăng dầu tăng “vù vù”, vài người bạn nhà cháu đã tuyên bố bỏ xe máy, đi làm bằng xe đạp nhưng rút cuộc thì vẫn phải dùng phương tiện “cơ giới” vì đường đi làm quá xa...

Kêu than, vẽ biếm họa, làm nhạc chế nhiều lắm ở trên mạng, nhưng sau bao nhiêu lần xăng tăng, dân ta vẫn “sống vui, sống khỏe” đấy thôi.

Và trước mỗi một lần “nghe ngóng” được từ đâu đó tin xăng sắp tăng, việc duy nhất mà người dân có thể làm là: “Chộp giật” vài lít xăng theo giá chưa tăng. Để rồi ai kịp đổ trước “giờ G”, hôm sau có thể có quyền “cười vào mũi bọn chậm chân”. Tất nhiên, “bọn chậm chân” khi ấy chỉ còn biết dậm chân kêu Trời, vì… bị bất ngờ!”.

Nguyễn Hồng Kiên

Bình luận(0)