Cấm trông xe, dân cuống cuồng là phải!

Google News

Văn bản ban hành ngày 6/2 nhưng đến ngày 15/2 đã có hiệu lực nên không đủ thời gian mà chuẩn bị khâu hậu cần cho tốt được.

 

- ThS Nguyễn Thanh Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội: Cấm trông xe, dân cuống cuồng là phải! "Hà Nội cấm trông xe song lại chưa bố trí được hệ thống các điểm trông giữ xe hợp lý. Việc làm này chẳng khác gì "chưa tậu bò đã lo làm chuồng"", ThS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nêu quan điểm.

[links()]

ThS Nguyễn Thanh Bình, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội:


Cấm là đúng!

Thưa ông, Hà Nội chính thức cấm đỗ xe ở 262 tuyến phố tại 9 quận trong nội thành từ ngày 15/2. Quan điểm của ông thế nào về điều này?

Tôi hoàn toàn đồng tình với quyết định này, bởi nó chứa đựng nhiều yếu tố hợp lý. Về mặt nguyên tắc, chức năng của lòng đường là để lưu thông phương tiện, của vỉa hè là dành để đi bộ chứ không phải để trông giữ phương tiện.

Ở các nước phát triển, đâu đó vẫn sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ phương tiện nhưng phải kèm theo điều kiện nhất định như diện tích đủ rộng, có bố trí điểm trông xe...

Nhưng với điều kiện hạ tầng giao thông ở ta được xây dựng cách đây khá lâu, lòng đường không đủ rộng thì cấm là đúng để trả lại nguyện vẹn chức năng cho lòng đường, vỉa hè.
Nhưng thực tế thì chức năng ấy vẫn bị lạm dụng từ lâu rồi đấy chứ?

Đó là do công tác quản lý của ta còn lỏng lẻo, lòng đường nào, vỉa hè nào cũng được tận dụng làm điểm trông giữ xe nên mới dẫn đến tình trạng lộn xộn.

Vậy tại sao đến bây giờ họ mới cấm? Phải chăng, họ mới nhận ra điều đó?

Cần thấy rằng, ùn tắc giao thông đang là bài toán nan giải của các đô thị lớn ở ta hiện nay. Việc đỗ xe dưới lòng đường vốn dành để lưu thông phương tiện cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc.

Quyết định này nằm trong tổng thể của cả một hệ thống những chỉ đạo, điều hành, cơ chế, chính sách của đề án phát triển giao thông Hà Nội chứ không phải là quyết định mang tính đơn chiếc. Điều đó cho thấy chính quyền thành phố đã rất quan tâm, nghiêm túc nhìn nhận để "gỡ rối" cho giao thông.

"Chưa tậu bò đã lo làm chuồng"

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc cấm đỗ xe nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Ông nghĩ sao?

Điều này trong văn bản không chỉ rõ song tôi cho rằng, đây không phải là biện pháp cấm sở hữu phương tiện cá nhân mà chỉ là gián tiếp hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân tại một số địa bàn nhất định, từ đó sẽ giảm phương tiện đi vào trung tâm. Kết quả là sẽ góp phần giảm ùn tắc.

Chưa biết hiệu quả giảm ùn tắc đến đâu nhưng người dân đang phải cuống cuồng, mỏi mắt tìm bãi trông xe, thưa ông?

Thì đương nhiên rồi. Bởi người ta quen gửi xe ở đó, nay bị cấm nhưng thành phố lại chưa chuẩn bị được hệ thống các điểm trông giữ mới thì việc họ cuống cuồng là phải. Làm như vậy chẳng khác nào "chưa tậu bò đã lo làm chuồng".

Nhưng thiết nghĩ, trước khi đưa ra lệnh cấm trông giữ xe thì họ phải đưa ra giải pháp thay thế chứ? 

Suy luận logic là như vậy song thật sự cũng khó.

Vì sao lại khó, thưa ông?

Bởi lâu nay chúng ta mới chỉ tập trung phát triển hạ tầng đường sá chứ chưa thật sự chú trọng đến giao thông tĩnh (gồm có các bến, bãi trông giữ xe). Hiện, quỹ đất cho giao thông trong nội thành Hà Nội mới chỉ đạt 8% (trong khi mức này ở các nước phát triển là 20 - 25%), trong đó giao thông tĩnh chỉ chiếm từ 0,5 - 1%, một con số quá nhỏ.

Bên cạnh đó, cấm đỗ xe để buộc người dân chọn phương tiện khác nhưng là phương tiện gì? Xe buýt mới chỉ đáp ứng chưa đến 15% nhu cầu đi lại của cả thành phố, chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều vấn đề.

Thêm nữa, văn bản này ban hành ngày 6/2 nhưng đến ngày 15/2 đã có hiệu lực nên không đủ thời gian mà chuẩn bị khâu hậu cần cho tốt được.

Nghĩa là, chính quyền và ngành giao thông thành phố đang nóng vội?

Tôi nghĩ không nên suy luận như thế. Vấn đề là, nếu như chúng ta quan tâm đầu tư cho giao thông tĩnh từ trước, thậm chí là hàng chục năm nay và thời gian từ lúc ban hành quyết định đến lúc có hiệu lực giãn ra thì tình hình sẽ khác.

Cần phải làm đồng bộ

Thành phố chưa chuẩn bị được điểm trông giữ xe mới liệu có dẫn đến tình trạng người dân bất chấp quy định, khi đó việc cấm chẳng khác nào "đánh trống bỏ dùi" không, thưa ông?

Nếu như chúng ta làm một cách đồng bộ, bài bản, kiên quyết, triệt để, tôi tin là điều đó khó xảy ra.

Đó là những cách nào vậy?

Trước mắt nên tận dụng lòng đường của những tuyến phố mà lưu lượng giao thông thấp để làm nơi trông giữ xe. Phải bố trí các điểm trông giữ cho hợp lý và nên cách nhau chỉ chừng 1km. Đồng thời phải nâng cao chất lượng xe buýt, tăng số chuyến.

Có thể sử dụng xe điện trong khu phố cổ để làm công việc chuyên chở cùng với mục đích làm du lịch. Ai vi phạm việc đỗ xe cần bị xử lý thật nghiêm.

Về mặt dài hạn thì phải quy hoạch xây dựng đô thị một cách hợp lý nhằm điều chỉnh phân bố dân cư và điều tiết các hoạt động giao thông, không phân bố dân cư quá tập trung và tạo mật độ giao thông lớn tại khu vực trung tâm.

Bên cạnh đó, cũng phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt đô thị, xây dựng điểm trông giữ xe trong lòng đất và trên cao. Làm như vậy thì chắc chắn giao thông Hà Nội sẽ sớm "dễ thở" hơn.

Theo ông, bao lâu nữa chúng ta sẽ có được điều đó?

Cái đó cũng khó vì còn tùy vào nhiều yếu tố. Song tôi hy vọng càng sớm càng tốt, vấn đề là phải làm đồng bộ và quyết liệt.

Theo dự tính, năm 2015 - 2016 chúng ta sẽ có đường sắt đô thị. Khi đó chắc chắn sẽ giải quyết phần nào bài toán của giao thông hiện nay.

Vâng, xin cảm ơn ông.

 

"Nhu cầu đỗ xe của người dân là chính đáng và cần được tôn trọng. Không thể vì mục tiêu này mục tiêu kia mà triệt tiêu cái nhu cầu ấy đi được. Tuy nhiên, với cách làm hiện nay đang khiến cho nhu cầu đó bị ảnh hưởng ít nhiều.

Lâu nay, người dân đã quá tiện lợi trong việc gửi xe nhưng lại làm ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Việc cấm này đã ảnh hưởng đến thói quen đó, khiến họ cảm thấy không thoải mái. Song thói quen nào rồi cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Người làm công tác quy hoạch, quản lý phải hướng tới nhóm lợi ích lớn hơn, đem lại hiệu quả xã hội lâu dài. Do đó, bên cạnh việc làm đồng bộ các giải pháp thì rất cần có sự chia sẻ của người dân".
ThS Nguyễn Thanh Bình

 

Vũ Thủy (thực hiện)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Thanh Tran

Tại sao cứ CẤM vậy nhỉ? Tiền thuế khi nhập, đăng ký...các loại phương tiện đi đâu rồi??? Tiền dân phải chi trả cho các loại thuế khi sử dụng phương tiện cá nhân là nhiều, rất nhiều...Tại sao không tái đầu tư, xây dựng bến bãi đáp ứng nhu cầu thực tế cho người dân. Tại sao không giải quyết từ gốc của vấn đề từ khâu cấp phép sản xuất, nhập khẩu các loại phương tiện cá nhân hoặc xây dựng hạ tầng cơ sở...Phải chăng người dân Việt nam "dễ tính" quá khi chỉ biết nộp tất tật các loại thuế đánh và phương tiện của mình mà không biết hay không được đòi hỏi quyền lợi của mình, được hưởng một cơ sở hạ tầng tương xứng với nghĩa vụ của mình đã hoàn thành với nh