Bò tót chết: “Bắn như thế quá liều rồi”

Google News

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học VN - cho rằng bắn 6-7 liều thuốc gây mê lên con bò tót nặng 1,2 tấn là quá liều lượng...

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học VN - cho rằng bắn 6-7 liều thuốc gây mê lên con bò tót nặng 1,2 tấn là quá liều lượng...

Sáng 25/7, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã phát thông cáo báo chí cho biết bò tót chết do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là con vật vốn đã bị bệnh cùng với một số nguyên nhân khách quan khác.

Con bò tót lúc ở sân bay Phú Bài - Ảnh do cán bộ sân bay Phú Bài cung cấp
Con bò tót lúc ở sân bay Phú Bài.

Bò đã bị bệnh nặng

Theo thông cáo này, kết quả giải phẫu khám nghiệm cho thấy các biểu hiện về bệnh lý của bò tót: phổi và khí quản có sung huyết, tim xuất huyết và tụ huyết ở cơ tim cũng như vành mở cơ tim; mật bị sung, ruột non, ruột già đều xuất huyết và bên trong có máu...

Bên ngoài xác bò tót không có vết tích, bụng trướng hơi, dưới da không bị sung huyết, lá lách và thận bình thường. Ngoài ra, con bò tót chết còn do suy kiệt vì phải sống trong sinh cảnh không phù hợp, thiếu nước và thức ăn, bị truy đuổi không nghỉ ngơi, bị stress do tiếng ồn của động cơ và người hiếu kỳ đứng xem...

Ông Nguyễn Viết Hoạch, Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, khẳng định những yếu tố đó khiến sức khỏe bò tót bị suy kiệt và dẫn đến cái chết, ngoài ra không có lý do gì khác. Cùng tham gia khám nghiệm, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế, cho rằng con bò này đã bị bệnh đường ruột nặng từ trước, nếu không tiêm thuốc mê thì muốn cứu bò tót cũng phải chữa trị đặc biệt theo phương pháp như cấp cứu người.

Ông Hoạch bác bỏ nghi vấn nguyên nhân dẫn đến cái chết của bò tót là do thuốc mê quá liều vì: “Tôi rất tin tưởng đội ngũ chuyên gia này, họ làm rất cẩn trọng, thật lâu mới bắn một phát, thậm chí họ cho dùng lưới phủ lên con vật để hạn chế các yếu tố khác”. Theo ông Hoạch, đây là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cứu hộ động vật ở VN. Họ có trách nhiệm cứu hộ con bò tót để bảo tồn, nên “nói dùng quá liều thuốc mê là oan cho họ”.

Đầu bò tót được khoa sinh Trường ĐH Khoa học Huế tiếp nhận xử lý để làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên.
Đầu bò tót được khoa sinh Trường ĐH Khoa học Huế tiếp nhận xử lý để làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên.

Ở Malaysia, người ta chỉ bắn hai liều

Tuy nhiên ông Võ Văn Phú, PGS.TS về động vật học của Khoa sinh Trường đại học Khoa học Huế, cho rằng: “Nói con bò tót chết do bị đói và khát có thể không đúng, vì bò tót thường kiếm ăn ở vùng đồi, đói khát là bình thường. Con bò tót này lại nặng hơn 1 tấn, khỏe lắm, dễ đâu mà đói là chết được. Việc tác động bằng thuốc gây mê là điều kiện cần phải nghĩ đến, không thể phủ nhận điều đó. Bắn thuốc gây mê sẽ làm kiệt sức của nó, suy kiệt quá thì bò chết”.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học VN, Phó chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN - cho rằng nếu đúng là các chuyên gia phải bắn đến 6-7 liều thuốc gây mê đối với con bò tót nặng khoảng 1,2 tấn thì đã sử dụng thuốc gây mê quá liều.

GS Huỳnh cho biết thêm đã có lần ông cùng các chuyên gia Malaysia vào rừng tham gia bắn gây mê để nghiên cứu một con bò tót tại nước này. Con bò tót hôm đó cũng nặng khoảng 1,2 tấn và các chuyên gia của Malaysia chỉ phải bắn hai phát đạn (hai liều) để gây mê con bò là đủ. Sau khi bắn thuốc gây mê, các chuyên gia Malaysia đợi cho con bò ngấm thuốc.

Khoảng 20 phút sau, khi thấy con bò tót đi lảo đảo, các chuyên gia Malaysia vào, dùng một miếng vải đen khá lớn trùm lên đầu con bò tót và cùng nhau vật nó xuống để khám nghiệm, nghiên cứu. Khi khám nghiệm xong, các chuyên gia phải chích ngay thuốc giải để bò tót tỉnh lại cho nhanh, tránh gây hại đến tính mạng của nó.

Đứng trên góc độ chuyên môn, GS Đặng Huy Huỳnh còn nhấn mạnh từ khi con bò tót xâm nhập khu sân bay Phú Bài đến khi các chuyên gia thực hiện việc bắn thuốc mê, thời gian kéo dài khoảng 30 giờ. Trong khi đó tại sân bay Phú Bài không có nguồn nước, riêng cỏ có rất ít và đa số bị nắng cháy sém khô nên bò không có nước uống và cỏ để ăn.

Đối với một con bò tót nặng khoảng 1 tấn thì phải được uống ít nhất 20-30 lít nước/ngày. Nếu không được uống nước, ăn cỏ đủ, sức khỏe của bò tót chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Khi thực hiện biện pháp bắn thuốc gây mê con bò tót tại sân bay Phú Bài, các chuyên phải lường tới yếu tố sức khỏe của nó bị ảnh hưởng do không được uống nước, ăn cỏ đầy đủ để tính toán liều lượng thuốc gây mê thích hợp. “Tôi cho rằng bắn đến 6-7 liều thuốc gây mê lên con bò tót như thế là quá liều lượng rồi”.

 

(Theo Tuổi trẻ)

[links()]

Bình luận(0)