“Bác sỹ chủ quan là có tội”

Google News

Đây là ý kiến của GS Phạm Gia Khải, khi được hỏi về việc bệnh nhân tử vong sau khi mổ ruột thừa tại Bệnh viện FV TPHCM.

- "Đã là con người thì ai cũng có sai lầm - bác sĩ cũng không ngoại lệ. Nhưng chủ quan là có tội và đừng bao giờ coi thường những lời kể bệnh của bệnh nhân" - GS Phạm Gia Khải nói về việc bệnh nhân tử vong sau khi mổ ruột thừa tại Bệnh viện FV TPHCM.

Xuê xoa là có tội với người bệnh

[links(left)]Ông có biết về vụ kiện cáo liên quan đến cái chết của một bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, tử vong sau khi mổ ruột thừa tại Bệnh viện FV TPHCM?

Tôi có nghe nói. Bệnh nhân này cách đây mấy năm được giới thiệu sang nước ngoài thay van tim, sau đó phải dùng thuốc kháng vitamin K. Những trường hợp này phải chú ý theo dõi, ngừa chảy máu nhiều. Tôi không rõ bác sĩ trong trường hợp này có biết bệnh nhân có tiền sử bị tim không. Nếu biết mà để như vậy thì thật đáng trách.
 
Vì bệnh nhân mà bị bệnh tim, sau khi mổ vì bệnh khác, phải theo dõi trên lâm sàng nhiều ngày sau đó (nhiều ngày chứ không phải nhiều giờ). Vấn đề cầm máu cần được chú ý đầu tiên. Nếu bệnh nhân đã kêu đau ngực thì bác sĩ cần phải chú ý chứ không chỉ kiểm tra vết mổ.

Có phải những bệnh nhân có tiền sử bị bệnh tim (như thay van tim, sử dụng máy trợ nhịp tim...) nếu chẳng may gặp chuyện chẳng lành như đau ruột thừa, hay tai nạn buộc phải mổ... thì rất nguy hiểm và đây là những ca khó?

Về nguyên tắc, những bệnh nhân như vậy phải được chú ý vấn đề chảy máu. Chuyện bệnh nhân bị bệnh tim phải mổ vì bệnh khác vẫn thường xảy ra. Tôi cũng có một người quen trước đây thay van tim, sau đó lại phải mổ não vì bệnh lý thần kinh. Trường hợp này bác sĩ phải theo dõi thời gian đông máu. Việc mổ thì vẫn phải mổ, nhưng nếu theo dõi tốt thì không vấn đề gì.

Ở đây, bệnh nhân đã kêu đau ngực, gia đình bệnh nhân cũng phản ánh tới bác sĩ, nhưng gia đình bệnh nhân cho biết bác sĩ không giải quyết kịp thời.

Thực ra, tôi là người làm nghề, tôi cũng không dám khẳng định trong một hoàn cảnh nào đó tôi không mắc sai lầm. Đứng trước sai lầm của đồng nghiệp, thái độ của tôi thường là thông cảm, nhưng thông cảm không có nghĩa là xuê xoa. Vì xuê xoa mà không tìm hiểu sự thật là có tội với người bệnh và cả với thầy thuốc đã mắc sai lầm đó.
 
Có ai biết trước sai lầm để mà phòng ngừa? Chỉ có điều, cần phải trung thực, cẩn thận, khiêm tốn. Sai thì phải nhận trách nhiệm.

GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam.
GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam.

Càng giỏi càng dễ sai

Đúng là ai cũng có sai lầm. Nhưng sai lầm dẫn đến chết người là sai lầm không thể sửa chữa được.

Trong khoa học, bao giờ cũng có tỷ lệ sai. Người càng giỏi, càng có kinh nghiệm càng dễ mắc những sai lầm lớn. Nếu là một bác sĩ ngoại khoa, trước vấn đề bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu và mổ chảy máu thì bác sĩ phải biết rõ.
 
Nhưng tôi cũng cho rằng, có những điều chỉ các nhà tâm lý học mới lý giải được, rằng tại sao ở thời điểm đó, con người ta lại hành xử như thế.

Ông nói người càng giỏi càng dễ mắc sai lầm làm tôi thấy sợ. Vì bệnh nhân khi không may vào viện, đối diện với cuộc mổ xẻ, luôn muốn tìm đến một bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm.

Nghe thì có vẻ không lọt tai, nhưng đúng là thế. Khi ở vị trí cao, kinh nghiệm nhiều, người ta không nghĩ có thể mắc một sai lầm nhỏ. Chính vì nghĩ thế nên dễ mắc sai lầm. Có một giáo sư người Pháp khi đến dự toà mà học trò của ông này bị người ta kiện, ông giáo sư nói: "Ở đời, tôi chưa thấy có sai lầm nào người ta mắc mà tôi không mắc phải".
 
Hay ở một thành phố cổ Hy Lạp xưa, khi có người nhờ tìm cho một thầy thuốc giỏi, một nhà thông thái trả lời: "Cứ tìm nhà nào mà trước cửa có nhiều ma(!)". Tức là, để thành thầy thuốc giỏi thì trước đó người ta đã mắc khối sai lầm. Tôi không nhớ ai đó nói rằng: "Chỉ có con heo mới không sai lầm". Nhưng tôi nghĩ đúng là như thế.

Vậy bản thân ông, trong nghề, ông đã có sai lầm gì?

(Ngập ngừng). Khoảng năm 1989 tôi có gặp một bệnh nhân. Sau khi khám, tôi thấy bệnh nhân suy tim, khó thở; bệnh nhân rét run và quàng khăng kín cổ. Tôi nghĩ bệnh nhân có vấn đề ở van tim nên cho thuốc. Sau đó, tôi đi công tác và bàn giao bệnh nhân này cho người khác. Người tiếp nhận bệnh nhân cũng tiếp tục chữa theo tôi.
 
2 tháng sau, bệnh nhân đến nhà kêu: "Sao càng chữa càng thấy mệt?". Khi vào nhà tôi, bệnh nhân bỏ khăn quàng ra và tôi mới vỡ lẽ: Thì ra bệnh nhân bị bướu cổ. Chứng bướu cổ dẫn tới loạn nhịp tim.

Tôi nghĩ rằng, người thầy thuốc giỏi phải luôn xem lại chẩn đoán của mình. Đừng bao giờ cho rằng: Tôi có kinh nghiệm, tôi chẩn bệnh là đúng. Đặc biệt, những lời bệnh nhân kêu, phàn nàn, kể bệnh... cần chú lý lắng nghe.
 
Đừng bao giờ coi thường những triệu chứng bệnh nhân kể - kể cả lời một đứa trẻ. Chủ quan là có tội. Khi bệnh nhân kêu đau ngực, cần tìm hiểu xem tại sao lại đau. Có khi kêu đau ngực nhưng khám kỹ lại là bệnh ở chỗ khác.

Tất nhiên là tôi buồn

Gần đây, có nhiều chuyện lùm xùm quanh các bệnh viện, phòng khám có yếu tố nước ngoài, như phòng khám Đông y Trung Quốc để chết bệnh nhân, hay lần này là Bệnh viện FV TPHCM. Ông có nghĩ, thực ra, bệnh viện chính thống của Nhà nước vẫn đảm bảo chuyên môn ổn nhất?

Tôi cho rằng, đây là vấn đề con người. Bác sĩ không tốt thì ở đâu cũng không tốt. Tức là không phải cứ bác sĩ bệnh viện công mới tốt, còn bác sĩ bệnh viện tư là không tốt. Nhiều bác sĩ ở bệnh viện tư đứng đắn lắm chứ. Tôi chỉ thấy một điều: Vấn đề kiểm tra trình độ bác sĩ ở bệnh viện tư chưa ổn. Tức là: Bác sĩ ở nước ngoài, nếu sang Việt Nam hành nghề phải được kiểm tra lại trình độ.

Tại nhiều nước, bác sĩ ở nước khác sang, muốn làm việc phải được kiểm tra về chuyên môn, nếu chưa đạt phải học lại; không phải tôi có bằng cấp ở nước tôi là tôi sang nước khác cứ hành nghề tự do.
 
Tôi có dịp sang Mỹ, bác sĩ sang đó muốn làm việc phải thi, thi chưa đạt thì phải học lại. Vậy mà bác sĩ nước ngoài sang nước mình lại hành nghề tự do. Bằng cấp đã không tương đương, tiếng lại không biết, chữa trị qua phiên dịch... đấy là bất cập vì khâu nghe bệnh nhân kể bệnh rất quan trọng.

Gần đây, nhiều vụ gia đình bệnh nhân kiện cáo bác sĩ. Là người làm nghề y, ông có thấy buồn về điều này? Và ông có nghĩ, đây là vấn đề tất yếu?

Tất nhiên là tôi buồn. Làm nghề thì phải chấp nhận thôi. Ở Mỹ, có những bác sĩ bị bệnh nhân kiện phải đền ngót triệu đô, vì luật pháp của họ chặt chẽ lắm. Ở ta, kiện và đòi bồi thường cũng phải theo luật pháp. Chẳng hạn, nếu người đã mất có con ở tuổi vị thành niên thì đền bao nhiêu, nếu không còn phải nuôi dưỡng ai thì đền bao nhiêu... có quy định cả, không phải cứ đòi là đòi được. Việc kiện cáo phải theo luật pháp nước sở tại.

Xin cảm ơn ông.
 
Hoài Hương (Thực hiện)

Bình luận(0)