“3 năm, 76.000 người được cử đi đào tạo ở nước ngoài“

Google News

"Trong 5 năm từ 2006 - 2010 thì tổng kinh phí dành cho đào tạo nước ngoài là 67 tỷ đồng. Riêng năm năm 2010 là 26 tỷ đồng".

- "Từ 2006 - 2010 thì tổng kinh phí dành cho đào tạo nước ngoài là 67 tỷ đồng. Riêng năm năm 2010 là 26 tỷ đồng".
 
"EVN đưa 400 lãnh đạo đi học ở nước ngoài là có vấn đề. Phải xóa bỏ cái suy nghĩ coi đi học ở nước ngoài là một phần thưởng, đi học để tham quan nghỉ ngơi", TS Ngô Thành Can chia sẻ cùng phóng viên.
TS Ngô Thành Can, phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính.
TS Ngô Thành Can, phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính.

Đang lỗ nặng, EVN vẫn cử vài đoàn thì…

Việc EVN cử 400 lãnh đạo đi học ở nước ngoài đã bị hoãn lại do phản ánh từ báo chí. Nhưng việc này nó khiến người ta phải suy ngẫm về cách tiêu tiền của doanh nghiệp nhà nước. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Kinh phí cho một khóa học rất lớn, ai cũng biết. Nhiều khi, kinh phí bỏ ra nhưng thu lại gần như không có. Nhất là ở thời điểm cả nước thực hiện cắt giảm chi tiêu công, EVN làm ăn thua lỗ mà lại tổ chức một lớp đào tạo ở nước ngoài với kinh phí lớn thì cũng cần phải xem xét.

Nghĩa là việc đi học là nên làm, nhưng học thế nào và lúc nào mới là vấn đề?

Theo tôi đã đến lúc phải xem xét lại hiệu quả của tất cả các chương trình đào tạo. Nếu doanh nghiệp đang lỗ nặng như EVN mà vẫn cử vài đoàn, mỗi đoàn hàng trăm người đi học hỏi ở nước ngoài là không nên. Phải đánh giá hiệu quả đào tạo để thấy đồng tiền bỏ ra có hiệu quả không. Vì suy cho cùng đây cũng là đồng tiền của nhân dân mà ra, chứ nó không tự sinh ra.

Có ý kiến cho rằng, cách tiêu tiền của EVN là có vấn đề?

Đúng là có vấn đề. Tiêu tiền như thế nào được coi là vấn đề tế nhị của doanh nghiệp. Nhưng khi tiền đó là tiền của dân thì phải có sự minh bạch rõ ràng về hiệu quả.

"Rơi trúng" lãnh đạo

Từ việc đi học của các sếp EVN, người ta liên tưởng đến các khóa tập huấn cho cán bộ công chức Nhà nước. Từ trước đến giờ ta đã có nghiên cứu nào về công tác bồi dưỡng cho cán bộ công chức chưa?

Tôi có tài liệu tổng kết 5 năm công tác bồi dưỡng cán bộ công chức của Bộ Nội vụ. Theo đó, từ 2006 - 2008, chúng ta đã đưa đi đào tạo ở nước ngoài là 76.000 lượt cán bộ công chức. Trong số đó có các đối tượng là công chức tham mưu, hoạch định chính sách, công chức lãnh đạo quản lý và công chức nguồn là 48.000 người. Trong vòng 3 năm, mà có đến 76.000 người được cử đi đào tạo ở nước ngoài là khá nhiều. Đó là chưa tính đến ngành điện lực, than, dầu khí, viễn thông...

Tại một trích lục báo cáo của Bộ Tài chính, trong 5 năm từ 2006 - 2010 thì tổng kinh phí dành cho đào tạo nước ngoài là 67 tỷ đồng. Riêng năm năm 2010 là 26 tỷ đồng.

Nhưng hiệu quả thì thế nào, thưa ông?

Ta chưa có một đánh giá quy mô lớn để xem hiệu quả đến đâu. Trước đây thì chúng tôi có làm một vài đánh giá nhưng nó nhỏ lẻ và không hết được. Ai được đi học cũng khen chất lượng đào tạo tốt, gửi đi đúng các nơi cần thiết, kiến thức mới chưa cập nhật, mở rộng tầm nhìn... Chỉ có một số ý kiến cho rằng, các suất học thường rơi trúng vào các đối tượng là lãnh đạo.

Ý ông là chỉ có lãnh đạo mới "được" đi học?

Đào tạo với yêu cầu cao thì thường là nhân viên phải đi. Ví dụ như đi học một vài năm và có trình độ ngoại ngữ. Còn các khóa ngắn hạn, không yêu cầu năng lực trình độ, thì đa số là lãnh đạo đi. Cái việc học ấy được coi như là bổng lộc hơn là đi đào tạo bồi dưỡng. Đó cũng là điều đáng ngẫm.

Thực trạng đó nói lên điều gì thưa ông?

Nó cho thấy ta chưa chú trọng đào tạo ở nước ngoài theo mũi nhọn. Đào tạo mũi nhọn là đào tạo đội ngũ chuyên gia, chỉ tập trung vào một nhóm người có năng lực thực sự. Chứ còn cứ ông trưởng, ông phó là được đi, thì làm sao mà có chất lượng được. Hôm nay họ đi Mỹ, mai họ đi châu Âu, châu Á, châu Úc, thì họ cũng chỉ đến thế thôi.

A
Riêng năm năm 2010, kinh phí dành cho đào tạo nước ngoài là 26 tỷ đồng - ảnh minh hoạ

Coi đi đào tạo nước ngoài là phần thưởng

Theo ông, những khóa đào tạo, tập huấn này có tồn tại bất cập?

Trước giờ ta vẫn nói cần tránh đào tạo chỉ vì đào tạo. Tức là tôi có kinh phí, bảo anh đi đào tạo thì anh cứ đi. Coi đào tạo là chi phí, thì rất phí. Hai là đào tạo là phần thưởng. Vì anh làm việc tốt, vì anh có quan hệ tốt với tôi, thì khi có đoàn đi thì tôi gửi anh đi đào tạo, chứ tôi không nhằm tăng cường năng lực của anh hay không.

Việc coi đi học là một phần thưởng trong thực tế có nhiều không?

Khá phổ biến. Họ động viên nhau rằng: Thôi thì anh cứ đi, học hỏi được tí nào hay tí ấy, nhân tiện tham quan du lịch luôn.

Ông có nói việc đi học này rất tốn kém, sao ta không nghĩ cách mời chuyên gia nước ngoài về nước dạy cho đỡ tốn?

Có một thực tế đáng buồn là một khóa đào tạo ở nước ngoài rất tốn kém, lên đến hàng tỉ đồng, và người ta tranh giành nhau đi. Trong khi đó, nếu ta mời chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy, cũng chuyên đề đó, cách thức đó thì số người tham gia đào tạo, số người có mặt lại rất ít. Ai cũng nói là bận, không dự được hết cả 3 ngày, 5 ngày. Trong khi nếu được đi nước ngoài, phải thu xếp nghỉ hàng tuần, thậm chí hằng tháng, người ta vẫn đi được.

Có thể vì đi nước ngoài, sống ở môi trường khác, người ta mới học hỏi được nhiều?

Đúng thế mà không phải thế. Vì nếu có tinh thần học hỏi, thì học ở đâu cũng hiệu quả. Có một vấn đề nữa là không ít những khóa học mà những người cận tuổi nghỉ hưu mới đi. Nữ thì 53 - 54 rồi, nam thì 58 - 59 rồi. Đặc biệt là những người chuẩn bị về hưu, là cán bộ cấp phòng, cấp sở, cấp vụ... thì thường được bố trí đi, sau đó thì nghỉ hưu. Về chính sách chế độ thì đó là điều không khuyến khích, nhưng nhiều người cảm thấy nó hợp lý và cũng ngơ đi cho nhau.

Nghe ông nói, tôi thực sự thấy buồn!

Chỉ cần nhìn vào danh sách của các đoàn đi là thấy ngay tuổi của các vị ấy. Về góc độ cá nhân thì cũng tốt thôi, nhưng về kinh phí nhà nước thì cũng phải xem xét lại. Mà cái số đó cũng nhiều tương đối chứ không ít đâu.

Sao lắm đoàn đi học thế!

Việc cử người học tập huấn ở nước ngoài có từ rất lâu rồi, hẳn là phải hiệu quả thì ta mới duy trì cho đến giờ?

Cách đây ít năm, một số đại biểu Quốc hội đã báo cáo việc ta tổ chức đi nước ngoài nhiều quá. Nhiều đến mức mà đơn vị ở những nước phải tiếp ta cũng phải thốt lên rằng sao mà lắm đoàn thế. Vừa mới trả lời các đoàn trước những câu hỏi i xì như thế, những kiến thức giống hệt thế, mà lại cứ đoàn này đến đoàn khác đến học hỏi. Tại sao các anh không truyền đạt cho nhau mà lại phải cử đoàn sang tận đây để hỏi? Tiếp 1 - 2 đoàn thì người ta thấy bình thường, nhưng tiếp đến hàng chục đoàn người ta cũng thấy sốt ruột.

Ông vừa nói, đa số các suất đi học đó dành cho lãnh đạo. Rõ ràng đi học vẫn còn là một phần thưởng. Mà lãnh đạo chính là người làm ra chính sách. Xem ra quá khó để thay đổi những bất cập này?

Đúng là coi tiền của nhà nước là tiền "chùa" thì ta không thể sử dụng nó hiệu quả được. Vì mục tiêu đào tạo bồi dưỡng những người trong đội ngũ chuyên gia, người hàng đầu đóng góp tài năng cho nền công vụ thì hãy đào tạo. Còn đào tạo những người bình thường thì đừng đào tạo. Mà cái này thì cần sự vào cuộc của tất cả các ngành.

Và hẳn là có những ngành đứng đầu phải thay đổi?

Bộ Nội vụ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và cũng đã trì hoãn một số đoàn đi nước ngoài. Tổ chức đi có chọn lọc hơn. Anh đi học thì phải đúng là học thật, chứ không để tình trạng học một vài chuyên đề rất ít, còn chủ yếu là anh đi nọ đi kia, kết hợp đi tham quan du lịch là chính.
 
Xin cảm ơn ông!
Khi được hỏi về hiệu quả của các khóa học này, đa số người học đều trả lời rằng hài lòng và cảm thấy vui vẻ. Rất ít người nói rằng không hài lòng. Hoặc họ chỉ nói riêng là "úi giời, chuyến này đi vui lắm". Nhiều trong số những người đi về theo kiểu "ăn theo nói leo". Họ không có ý tưởng, không học hỏi, đi chỉ để đi. Thủ tục đi lại có người làm giúp, đến đâu cũng có người dẫn hoặc phiên dịch. Đi như thế nó phí đi.
Tô Hội (Thực hiện)
[links()]

Bình luận(0)