Ngày 25/6, hơn 900.000 em học sinh trên cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Đây là kỳ thi rất quan trọng với các em học sinh bởi đây là căn cứ để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển đại học.
Năm nay, cả nước có 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi được bố trí không chỉ ở các thành phố lớn mà trải rộng các các quận huyện trên cả nước mang đến nhiều thuận lợi cho thí sinh không phải di chuyển xa để đi thi mà hầu hết đều thi tại chỗ. Ngay việc hoán đổi thí sinh tại các trường trên địa bàn cũng không quá xa tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh đến điểm thi gần nhất.
Tuy nhiên, một hình ảnh năm nào cũng diễn ra, đó là cảnh hàng trăm nghìn phụ huynh đội mưa, đội nắng, vạ vật ngồi đợi con trước cổng điểm thi với nhiều tâm trạng lo lắng hướng vào phòng thi – nơi con em mình đang thi cử.
|
Cha mẹ hãy luôn đồng hành nhưng xin đừng tạo áp lực cho con cái. |
Trong ngày thi đầu tiên, trong phòng thi các thí sinh bước vào thi môn Văn và môn Toán thì ở ngoài cổng trường thi là ánh mắt mong mỏi, đợi chờ, sự kỳ vọng lớn lao của các bậc cha mẹ. Không phải tự nhiên lại có câu muốn hiểu lòng cha mẹ thương con nhường nào thì hãy đến cổng trường thi.
Sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái trong thi cử có nhiều lý do. Có người không hài lòng về cuộc đời của họ do con đường học vấn chông gai, họ muốn con có kết quả học tập tốt để có cuộc sống tốt hơn, không gian nan vất vả như cuộc đời của họ. Có cha mẹ học hành đàng hoàng thì luôn mong muốn con cái học tốt bởi “nhà tôi có gen di truyền tốt” thì đương nhiên con cái phải thành đạt. Thậm chí do áp lực từ bên ngoài nên họ kỳ vọng nhiều hơn vào con cái.
Bởi vậy, tâm lý chung của các bậc phụ huynh luôn cố gắng hết mình cho con cái ăn học đến nơi đến chốn dù có phải làm lụng vất vả, kể cả phải thế chấp tài sản, bán lúa, bán thóc non để con cái học hành tử tế. Bởi vậy, với các em học sinh, các kỳ thi chuyển lớp, thi chuyển cấp, thi đại học, cao đẳng...luôn rất quan trọng và mỗi kỳ thi như thế luôn là tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, ít phụ huynh biết rằng, chính việc mình chầu chực ở cổng trường thi, chính sự kỳ vọng lớn lao của họ vào con cái sẽ tạo áp lực lớn cho chính con cái của họ trong quá trình thi và sau khi có kết quả thi. Chính áp lực của cha mẹ mong muốn con phải thi tốt để có điểm số cao đỗ vào những trường đại học danh tiếng vô hình chung lại khiến các em học sinh không có tâm lý tốt nhất để thực hiện bài thi.
Nếu các em thành công, có kết quả tốt trong kỳ thi sẽ là niềm vui tột cùng của chính các em và phụ huynh nhưng nếu kết quả thi không tốt, chính sự kỳ vọng của cha mẹ sẽ làm các em gục ngã. Thậm chí tìm đến con đường tiêu cực như buông thả bản thân, thậm chí tự tử trong nỗi thất vọng nặng nề. Bởi bản thân các em không dám đối diện với chính cha mẹ mình khi không đạt được sự kỳ vọng của cha mẹ.
Trong cuộc sống, con cái luôn cần cha mẹ đồng hành. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần thấu hiểu thực lực của con cái để động viên, chia sẻ đúng lúc. Bởi cánh cửa đại học cũng chỉ là một trong rất nhiều con đường thành công cho tương lai. Ngay như bầu Đức cũng từng có một câu nói rất ý nghĩa: “Đối với tôi, trường đời là trường đại học giá trị nhất để đem lại thành công”.
Bởi vậy, cha mẹ hãy luôn bên con, hãy luôn đồng hành cùng con nhưng xin đừng tạo thêm áp lực cho con cái. Khi xã hội vẫn chạy theo bằng cấp dẫn đến hệ quả 200.000 cử nhân tốt nghiệp đại học mỗi năm không có việc làm thì cuộc sống vẫn còn nhiều con đường tốt để con cái bước tiếp, đâu chỉ có cánh cửa đại học mới giúp con cái thành người.