|
Ảnh minh họa. |
Viết về kẻ xấu dễ bởi tội lỗi đã
có rồi, cáo trạng cũng có đầy đủ rồi, những điều mình viết ra chỉ là
những gì độc giả mong đợi được đọc, cứ thế mà viết, có thêm mắm dặm muối
thế nào cho ly kỳ, rùng rợn cũng chẳng sao. Đằng nào nó cũng xấu rồi,
có bôi thêm tí mực đen, có té nước theo mưa thì cũng chả chết ai, lương
tâm cũng chả có gì phải áy náy.
Còn viết về người tốt ư, mạo hiểm lắm. Vì hôm nay họ đang nổi danh, đang là thần tượng, đang là nhân vật của thời đại, nhận hết giải thưởng này đến huân chương nọ... tưởng thế là yên tâm để viết bài ca ngợi. Đùng một cái họ bị bắt, mọi thứ vỡ lở ra thì có mà trở tay không kịp, viết lại cũng không xong. Hơn nữa, cái tốt nhiều khi không biết đâu là sự thật. Một người bỏ ra cả chục tỷ để làm từ thiện, có tốt không? Tốt quá đi chứ. Nhưng biết đâu những đồng tiền đó lại do làm ăn phi pháp, do tham ô tham nhũng thì sao. Một nhà khoa học có một công trình nghiên cứu có giá trị, đáng được viết bài ca ngợi quá đi chứ. Nhưng đâu ngờ đó lại là công trình đi "đạo". Cuộc đời thì muôn hình vạn trạng, nhìn ra sự thật khó lắm.
Vì vậy, để an toàn, khi viết về nhân vật nào đó, tôi thường phải nhờ người tin tưởng giới thiệu để đảm bảo một phần nào đó họ là người tốt. Rồi qua tìm hiểu, tiếp xúc, trò chuyện... nếu thấy tin tưởng được thì mới dám làm. Nhưng cũng chỉ là một cách làm để tự trấn an mình mà thôi. Chứ trong đời nhiều khi cũng lắm cái bất ngờ không lường trước được.
Nhiều khi tôi cứ nghĩ đi tìm sự thật cũng giống như khi ta bóc vỏ củ hành tây. Hết lớp này đến lớp khác. Đến lớp trắng tinh tưởng đã là sự thật, nhưng biết đâu dưới nó lại còn lớp khác nữa, còn sự thật khác nữa. Thực ra mọi sự cũng chỉ là tương đối, đến sự thật cũng chỉ là tương đối mà thôi.
Không biết các bạn đồng nghiệp thế nào, chứ với tôi truyện ngắn
Bút máu của Nguyễn Tuân luôn là cuốn sách gối đầu giường để tự nhắc nhở mình rằng nghề cầm bút không hề đơn giản. Một bài viết ca ngợi một con người, nếu không đúng sự thật, có khi làm tổn hại cho bao nhiêu người khác.