Vì sao nhiều tân hoa hậu vừa đăng quang đã bị “ném đá”?

Google News

(Kiến Thức) -Hầu hết các hoa hậu khi đăng quang đều bị dư luận soi mói, bày tỏ thái độ không hài lòng, thậm chí buông những lời chỉ trích khá nặng nề?...

Sở hữu nét đẹp dịu dàng, hài hòa đậm chất Á Đông, Nguyễn Thị Kim Ngọc đã đăng quang Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu 2018. Tuy nhiên, ngay khi đăng quang, tân Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu đã phải đối mặt với những lời “ném đá” từ dư luận khi trả lời ứng xử chỉ nhớ 7/12 huyện đảo của Việt Nam và lùm xùm chuyện bằng tốt nghiệp cấp ba chưa minh bạch. Một số ý kiến còn cho rằng, vẻ đẹp của tân Hoa hậu cũng không có gì nổi bật, thậm chí nhạt nhòa so với các hoa hậu Việt khác.
Nguyễn Thị Kim Ngọc không phải là trường hợp duy nhất hoa hậu bị “ném đá” ngay khi đăng quang, trước đó, ngay khi đăng quang, Hoa hậu Đại dương 2017 - Lê Âu Ngân Anh cũng đã phải đối mặt với không ít lời chỉ trích từ dư luận. Ngoài ra, hoa hậu Đại dương 2014 - Đặng Thu Thảo, Hoa hậu Việt Nam 2014 - Nguyễn Cao Kỳ Duyên…cũng từng nhận không ít ý kiến chê bai từ dư luận ở thời điểm vừa mới đăng quang hoa hậu.
Trong những năm qua, những cuộc thi sắc đẹp diễn ra luôn nhận được sự quan tâm từ dư luận. Tuy nhiên, lý do vì sao hầu hết các hoa hậu khi đăng quang đều bị dư luận soi mói, bày tỏ thái độ không hài lòng, thậm chí buông những lời chỉ trích khá nặng nề?
 Kim Ngọc đoạt vương miện Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu. Ảnh: Zing
Thực tế đã chứng minh, những cuộc thi hoa hậu để tìm ra một người đại diện cho vẻ đẹp hình thể và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam ở mọi mặt của cuộc sống. Hoa hậu là hiện thân của vẻ đẹp nhan sắc, trí tuệ và tâm hồn. Bởi vậy, người dân luôn kỳ vọng, người được đăng quang phải đảm bảo được tất cả các tiêu chí, xứng đáng đại diện tiêu biểu nhất trong hàng ngàn người đẹp đến từ khắp mọi miền đất nước tham gia dự thi.
Tuy nhiên, việc công chúng liên tiếp chỉ trích các hoa hậu ở thời điểm họ đăng quang có phải do không đạt được mong muốn cá nhân về cái đẹp hay chính là do niềm tin của công chúng vào các cuộc thi sắc đẹp đã và đang mất dần đi. Nhất là khi có quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức hàng năm dẫn đến tình trạng “loạn thi sắc đẹp” khi chất lượng đi xuống, lùm xùm tăng lên.
Có một câu hỏi mà năm này qua năm khác người ta lại hỏi nhau: “Có bao nhiêu cuộc thi hoa hậu, thi sắc đẹp được tổ chức trong năm?” nhưng khó có câu trả lời chính xác bởi mỗi năm có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức. Chỉ tính riêng năm 2017, dày đặc các cuộc thi sắc đẹp diễn ra như Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Nữ hoàng trang sức, Nữ hoàng Doanh nhân Việt Nam, Hoa khôi Sinh viên Việt Nam, Miss Teen, Nữ hoàng Doanh nhân đất Việt, Người đẹp biển Việt Nam, Người đẹp xứ Trà...chưa kể những cuộc thi trá hình, không được cấp phép vẫn lén lút tổ chức.
Dù biết rằng, mỗi cuộc thi mang giá trị ý nghĩa khác nhau và đều tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam nhưng ngoài những cuộc thi được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, rất nhiều cuộc thi sắc đẹp được tổ chức như ở “ao làng” khi vừa thiếu chuyên nghiệp, vừa kém chất lượng và nhiều tai tiếng trong quá trình tổ chức cuộc thi.
Chắc hẳn dư luận chưa thể quên trường hợp thí sinh Nguyễn Thị Bích Nga tham gia cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp từng cho biết, khi đoạt giải cao nhất nhưng hơn 1 năm không nhận được tiền thưởng và cup nữ hoàng, vương miện từ ban tổ chức. Chưa thể quên việc người đẹp Ngọc Trinh đạt danh hiệu Hoa hậu Áo dạ hội trong cuộc thi Hoa hậu Trang sức Việt Nam nhưng sau đó bị tước danh hiệu và phải bồi thường vì không cung cấp giấy tờ còn thiếu trong hồ sơ hay như cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 lại để lọt trường hợp đặc biệt, thậm chí trao luôn giải thưởng cho thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ - Phạm Thị Thùy Linh đạt danh hiệu Người đẹp áo dài.
Dư luận lại đặt ra câu hỏi: Tại sao cuộc thi hoa hậu, người đẹp lại được người ta đua nhau tổ chức rầm rộ? Nguồn lợi những cuộc thi này mang lại ra sao? Ai là người được hưởng lợi từ các cuộc thi nhan sắc đó?
Có thể khẳng định, tình trạng loạn cuộc thi hoa hậu, loạn danh hiệu xuất phát từ những đơn vị tổ chức lợi dụng cuộc thi để làm thương mại kiếm tiền. Những thí sinh tham gia cuộc thi cốt chỉ mong được đăng quang để đổi đời nhờ danh hiệu như hoa hậu, á hậu, hoa khôi…sẽ giúp họ bước chân vào làng giải trí, đóng phim, làm người mẫu quảng cáo… Do vậy, việc tổ chức cuộc thi nhằm tôn vinh cái đẹp bị xem nhẹ, dẫn đến tình trạng, công chúng phải ngán ngẩm khi biết thông tin một cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp sắp được tổ chức.
Nói như nhà thơ Dương Kỳ Anh, “cha đẻ” của các cuộc thi hoa hậu khi trả lời trên một tờ báo: “Trong điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay, không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi nhan sắc. Tổ chức nhiều khiến thí sinh bị phân tán, chất lượng thí sinh không cao. Nhiều cuộc thi tổ chức chưa chuyên nghiệp, gây ảnh hưởng tới uy tín của cuộc thi sắc đẹp. Có quá nhiều danh hiệu dẫn tới loạn danh xưng, khiến danh hiệu “hoa hậu” vốn cao đẹp trở nên bị rẻ rúng”.
Nhiều người đã có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: "Các hoa hậu khi đăng quang đều bị dư luận "ném đá" là do chất lượng giảm, công chúng kỳ thị hay thực chất các cuộc thi có vấn đề?". Tuy nhiên, những lùm xùm tranh cãi xung quanh các cuộc thi sắc đẹp đang khiến những người đẹp được đăng quang, có danh hiệu bị nghi ngờ hay chính những cuộc thi hoa hậu từng được cả nước quan tâm, có tính chuyên nghiệp cũng bị vạ lây khi công chúng mất niềm tin.
Để lấy lại được ý nghĩa các cuộc thi sắc đẹp, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chắc chắn có những biện pháp hữu hiệu, chẳng qua là họ có làm mạnh mẽ không thôi.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)