Thời gian gần đây, người dân địa phương xã Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) rất bất ngờ khi một xưởng gỗ nằm trong trụ sở Hạt quản lý Đê huyện Cẩm Giàng thuộc Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hải Dương).
Đến liên hệ làm việc tại trụ sở Hạt quản lý Đê huyện Cẩm Giàng đóng trên địa bàn xã Cẩm Văn ngày 17/5, PV Kiến Thức đã ghi nhận những hình ảnh về một xưởng sản xuất gỗ lớn hoạt động sản xuất ngay tại trụ sở đơn vị sự nghiệp này.
Ngay trong khuôn viên của trụ sở Hạt quản lý Đê huyện Cẩm Giàng, một nhà xưởng sản xuất gỗ được dựng lên ngay phía ngoài mép đường chính của xã Cẩm Văn. Trong nhà xưởng này chất đầy những thân gỗ lớn để phục vụ quá trình sản xuất các sản phẩm mộc.
|
Trụ sở Hạt quản lý đê Cẩm Giàng thành xưởng sản xuất gỗ của Bí thư xã Cẩm Văn. |
Tại sân trụ sở Hạt quản lý Đê huyện Cẩm Giàng cũng được tận dụng tối đa để làm nơi chứa những thanh gỗ xẻ, thậm chí là nơi các công nhân đặt máy cưa để xẻ gỗ. Một phòng làm việc tại trụ sở cũng được tận dụng như một nhà kho để chứa gỗ. Nhìn những hình ảnh này, nếu không có tấm biển Hạt quản lý Đê huyện Cẩm Giàng ở cổng đi vào thì ai cũng nghĩ đây là xưởng sản xuất gỗ.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Phạm Thanh Hưng - Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Cẩm Giàng cho biết, xưởng gỗ này của ông Nguyễn Công Hùng – Bí thư xã Cẩm Văn. Hạt quản lý đê cho mượn để ông Hùng làm nhờ xưởng này.
“Ông Hùng đang làm chùa hoặc nhà thờ gì đó trong làng nên nhờ trụ sở của Hạt để làm gỗ. Giờ ví như hàng xóm với nhau, họ nhờ thì có cho họ nhờ không? Ở đây là góc độ tình nghĩa hàng xóm láng giềng”, Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Cẩm Giàng cho biết.
Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Văn - ông Nguyễn Công Hùng thừa nhận, bản thân nhờ Hạt quản lý đê huyện Cẩm Giàng để đặt xưởng gỗ. “Nếu có vấn đề gì thì sau này tôi sẽ rút thôi”, ông Hùng nói.
|
Nhìn trụ sở Hạt đê điều như xưởng sản xuất gỗ. |
Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão Hải Dương cho biết, Chi cục sẽ cho kiểm tra và xử lý theo quy định.
Trước sự việc trên, đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng kiểm tra, xử lý tình trạng trên.
Theo các quy định, Hạt quản lý đê cấp huyện là đơn vị sự nghiệp có trụ sở làm việc, có con dấu và tài khoản riêng.
Theo Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, tại điểm c, khoản 1, điều 8 quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng quy định.
Đối với hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp được quy định tại Điều 10, Nghị định 192/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và trả lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp bị lấn chiếm; Buộc phá dỡ công trình đã xây dựng trên phần diện tích lấn chiếm...
Một số hình ảnh PV Kiến Thức ghi nhận tại trụ sở Hạt quản lý đê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ngày 17/5:
|
Sân trụ sở được tận dụng làm nhà xưởng, bãi tập kết gỗ xẻ. |
|
Phòng làm việc tại trụ sở Hạt quản lý đê Cẩm Giàng cũng thành "kho" chứa gỗ". |
|
Những người thợ xẻ gỗ ngay tại sân trụ sở. |
|
Gỗ vứt ngổn ngang khắp sân của trụ sở Hạt đê điều. |
|
Xưởng gỗ ngay đầu Hạt quản lý đê điều Cẩm Giàng. |
PV Kiến Thức tiếp tục thông tin vụ việc trên...