Số phận lịch sử đã đặt nước ta ở vị thế địa chính trị đặc biệt: nằm cạnh láng giềng to lớn đầy tham vọng Trung Quốc và án ngữ con đường giao thương quan trọng bậc nhất thế giới.
Ta hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé nhưng suốt chiều dài lịch sử của mình đã phải tiến hành hàng chục cuộc chiến tranh giữ nước, hàng chục cuộc khởi nghĩa để chống lại mưu đồ xâm lược và ách thống trị của ngoại bang.
Có thời kì dài đất nước chìm trong đau thương tủi nhục, hơn một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, hơn một trăm năm thống trị của thực dân đế quốc.
Có những lúc đất nước phải đương đầu với họa xâm lăng của kẻ thù hùng mạnh gấp nhiều lần: quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên Mông, quân Minh, quân Thanh, thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.
Từ nô lệ đau thương, nhân dân ta đã vùng đứng dậy, giành lấy quyền sống, quyền độc lập cho dân tộc, cho đất nước mình.
Trước kẻ thù hung bạo, nhân dân ta kiên cường chống trả, đánh đuổi, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, gìn giữ vẹn toàn đất nước.
Một dân tộc nhỏ bé đã làm nên biết bao kì tích trong lịch sử giữ nước của mình. Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ… mãi mãi là bài ca bất hủ của một dân tộc chưa bao giờ biết cúi đầu trước cường quyền, bạo lực.
Điều gì đã giúp cha ông ta làm nên những kì tích ấy? Câu trả lời đã có từ thuở xa xưa.
Trong Bình Ngô đại cáo, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã viết:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo”
Đó có lẽ là câu trả lời đúng nhất, sâu sắc nhất, ý nghĩa nhất về sức mạnh và cũng là nguyên nhân mọi thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước hàng ngàn năm nay.
Đại nghĩa vì chúng ta luôn quang minh chính đại. Chủ quyền đất nước là thiêng liêng đối với tất cả các dân tộc trên thế giới. Xâm phạm quyền ấy là phi nghĩa, bảo vệ quyền ấy là chính nghĩa. Bởi thế, không một cuộc xâm lăng nào của các thế lực ngoại bang từ xưa đến nay là chính nghĩa. Thất bại có mầm mống ngay từ hành động phi nghĩa ấy của chúng. Cho nên “trời không dung”, đất không tha là vì thế.
Chí nhân là nét độc đáo trong phẩm cách của người Việt trên dải đất hình chữ S này. Nó được hình thành và nuôi dưỡng trong suốt chiều dài của lịch sử, từ thuở xa xưa Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Nền văn hóa ngàn đời ấy đã làm nên cốt cách con người Việt Nam và đạo lí dân tộc. Để rồi thế hệ nối tiếp thế hệ, cha ông ta luôn ứng xử đậm chất nhân văn, không chỉ trong thời bình mà cả trong chiến tranh giữ nước. Chẳng thế mà chúng ta dù yếu vẫn chống được mạnh, dù ít vẫn địch được nhiều thậm chí “chẳng đánh mà người chịu khuất” bởi vì ông cha ta biết phát huy vũ khí lợi hại “mưu phạt tâm công”: đánh vào lòng người. Và khi kẻ thù đã chấp nhận thất bại thì sẵn sàng “mở đường hiếu sinh”. Chí nhân là thế. Đại nghĩa là thế.
Chí nhân, đại nghĩa làm nên sức mạnh cố kết dân tộc, triệu người như một trước các thế lực ngoại xâm. Không một kẻ thù nào đến đất nước Việt Nam, mà lại không phải đối mặt với cả một dân tộc luôn cháy bỏng lòng yêu nước. Không biết tự bao giờ ông cha ta đã nhận thức rất rõ: bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân. Cho nên giặc đến nhà đàn bà cũng đánh! Chỉ có khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc thì mới có thể đánh thắng mọi thế lực xâm lăng, giữ yên bờ cõi.
Thế kỉ 13, đế quốc Nguyên Mông hung hãn, đang trên đà chinh phục thế giới với sức mạnh tưởng như vô biên nhưng ba lần đặt chân lên đất Đại Việt thì cả ba lần chúng đều chuốc lấy thảm bại đến nỗi chủ tướng phải chui vào trống đồng chạy trốn. Bởi một dân tộc mà từ già đến trẻ đều thích vào tay hai chữ “sát Thát”, đều đồng thanh hô to “Đánh ! Đánh !” thì chẳng giặc nào có thể địch nổi.
“Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”. Đó là lời thú nhận muộn màng của tướng De Castries, chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 60 năm trước.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, đại tướng Robert S. McNamara cũng đã thừa nhận lí do Hoa Kì thất bại ở Việt Nam: “Chúng tôi đã đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần yêu nước đã động viên một dân tộc chiến đấu và hy sinh cho những giá trị và lý tưởng của họ”.
Sức mạnh tinh thần ấy, xuất phát từ đại nghĩa, từ chí nhân của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và tôn trọng dân tộc khác.
Đó là những bài học lịch sử bằng xương máu mà ông cha đã để lại, muôn đời con cháu phải ghi nhớ.
Những bài học ấy còn để dạy cho những kẻ đang ấp ủ mộng xâm lăng đất nước này biết: dân tộc Việt Nam không dễ gì bị bắt nạt.
Thời đại Hồ Chí Minh, đất nước đã có Điện Biên Phủ mặt đất, Điện Biên Phủ trên không. Song, trước tình hình đất nước hôm nay, như nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Chúng ta không mong có thêm một Điện Biên Phủ nào nữa trong trận chiến dù trên biển hay trên cạn. Giống như Tổ tiên, chúng ta luôn mong hoà hợp với Thiên hạ nói chung, nhất là với Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển”. Nhưng nếu vì hoàn cảnh bắt buộc, chúng ta cũng sẽ làm những gì như Cha ông ta đã làm".