UBND quận 1 (TP HCM) vừa có văn bản do Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Hải ký gửi Công an quận 1, phòng Văn hóa thông tin quận 1, UBND 10 phường trên địa bàn liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị.
Đáng chú ý, trong đó, có chỉ đạo lực lượng thi hành nhiệm vụ phải ghi hình người tiểu tiện, phóng uế đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe đang khiến dư luận xôn xao.
Quy định lực lượng thi hành nhiệm vụ phải ghi hình người vi phạm đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe đã gây những băn khoăn, lo lắng trong dư luận xã hội về quyền nhân thân của cá nhân đưa lên thông tin đại chúng.
|
Sau ngày 15/8 tới đây, hành vi tiểu bậy, phóng uế ở trung tâm TP HCM, ngoài bị phạt tiền, buộc dội rửa sạch sẽ khu vực bị phóng uế, người vi phạm còn bị bêu hình lên phương tiện thông tin đại chúng. |
Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội cho rằng:
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số tập trung ở các Tỉnh, Thành phố lớn trên phạm vi cả nước như Thủ đô Hà Nội, TP HCM, tình trạng xả rác, phóng uế nơi công cộng đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong xã hội. Hành vi phản cảm làm mất mỹ quan đô thị xảy ra tràn lan, việc xử phạt để chấn chỉnh là một yêu cầu cấp bách.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là sự thiếu ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng.
Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Trong đó, nghị định quy định rõ hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định hay xả rác bừa bãi sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất là 3 triệu và 5 triệu đồng. Các mức xử phạt đi kèm được cho là đủ “nặng”, như đi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định bị phạt từ 1-3 triệu đồng; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại bị phạt từ 3-5 triệu đồng; vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước phạt từ 5-7 triệu đồng. Đối với các tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng thêm gấp nhiều lần…
Theo thông tin báo chí đưa, “UBND quận 1 yêu cầu Công an, phòng VH-TT, UBND 10 phường tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, nếp sống văn minh… Từ sau ngày 15/8, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, đặc biệt vào ban đêm, kiên quyết xử lý và xử phạt mức cao nhất các đối tượng có hành vi tiểu bậy, phóng uế bừa bãi nơi công cộng; đồng thời yêu cầu người vi phạm phải dọn, rửa sạch khu vực bị phóng uế. Đặc biệt, lực lượng thi hành nhiệm vụ phải ghi hình người vi phạm đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe”.
Theo quan điểm của Luật sư, UBND Quận 1 yêu cầu các lực lượng thực thi pháp luật thi hành xử phạt xử lý và xử phạt mức cao nhất các đối tượng có hành vi tiểu bậy, phóng uế bừa bãi nơi công cộng là cần thiết. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm hành chính cần phải tuân theo quy định của pháp luật.
Người vi phạm trước tiên không phải là tội phạm. Ngay cả người phạm tội sau khi xét xử công khai thì việc đưa bản án đăng trên cổng thông tin ngành tòa cũng phải trong trường hợp cần thiết và có ý kiến đồng ý của Bị cáo. Tội phạm khi bị Tòa án xử phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và giao cho chính quyền địa phương quản lý giáo dục thì cũng không công khai đưa ra kiểm điểm giáo dục trước đoàn thể, chính quyền địa phương.
Xét cho cùng tiểu bậy, phóng uế bừa bãi nơi công cộng chỉ là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính. Do đó những qui định xử lý người vi phạm phải tuân theo các qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Điều 21 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 và Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã quy định hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất.
Như vậy, theo yêu cầu chỉ đạo của UBND Quận 1, người vi phạm có hành vi tiểu bậy, phóng uế bừa bãi nơi công cộng bị xử phạt tiền rất nặng. Ngoài ra, người vi phạm còn phải áp dụng bổ sung thêm hình thức xử lý đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe là không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong khi đó, tất cả các hành vi vi phạm hành chính từ trước đến nay chưa từng áp dụng hình phạt bổ sung đưa hình ảnh người vi phạm ra trước thông tin đại chúng để răn đe.
Do đó, nếu phát hiện người vi phạm phóng uế bậy, lực lượng chức năng có quyền ghi hình để làm bằng chứng xử lý nhưng việc đưa những hình ảnh như vậy lên các phương tiện thông tin đại chúng cần phải hết sức cẩn trọng, nhất là trong tình trạng hiện nay mạng xã hội đang rất phát triển với những hệ lụy rất khó kiểm soát.
Điều 32 Bộ luật dân sự 2015. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.