|
Người dân cho biết sự hư hỏng, xuống cấp của đoạn đường này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông. (Ảnh: Lê Xuân Thọ) |
Mưa ngập… lo sạt lở
Ông Phan Nhật Nam cho biết, kể từ khi dọn về đây ở, gia đình ông phải chịu cảnh mưa ngập, nắng bụi, vì chủ đầu tư chưa hoàn thành hệ thống thoát nước. “Có nhiều khi mưa to, nước từ dưới các miệng cống phun ngược lên”, ông Nam kể.
Đằng sau nhà ông Nam (chếch về phía trái của căn nhà) không xa là cống xả nước thải từ Cụm Công nghiệp Uyên Hưng, thường xuyên chảy ra nước đen ngòm. Ông Nam cho hay, những lúc mưa, dòng nước đen ngòm này chảy ra nhiều hơn, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Ngày 16/11/2023, PV chứng kiến và ghi lại cảnh này. Một số người dân sống gần đây nói, chỗ đó là vị trí cống xả thải của Cụm Công nghiệp Uyên Hưng trước đây. Công ty Sài Gòn Center thực hiện dự án, hạ cao độ, khiến thành vũng chứa nước thải vì chưa được đấu nối với đường cống nước thải của dự án.
PV đã liên hệ với ông Lê Trần Minh Huy, Trưởng Ban quản lý Cụm Công nghiệp Uyên Hưng, tuy nhiên ông này nói phải đăng ký với cơ quan chủ quản (Công ty Cổ phần Lâm sản và Xuất nhập khẩu Tổng hợp Bình Dương - GENIMEX) để được chỉ đạo, phân công trả lời sau. Chúng tôi đã liên hệ với GENIMEX, nhưng chưa nhận được phản hồi.
|
Ảnh chụp ngày 16/11/2023 cho thấy nước thải đen ngòm chảy ra từ cống thải của Cụm Công nghiệp Uyên Hưng. (Ảnh: Lê Xuân Thọ)
|
Phía trước nhà ông Nam đối diện taluy, đoạn giáp Cụm Công nghiệp Uyên Hưng. Đến lúc này, công trình taluy vẫn chưa hoàn thiện. Ông Nam thông tin, quá trình làm taluy gây nhiều bụi bặm, đặc biệt là xe ben chở đất đá, ảnh hưởng cuộc sống của gia đình ông.
Ông Nam đã nhiều lần ghi lại hình ảnh, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục nhưng chưa được đáp ứng. Ông Nam cũng nói thêm, trong năm 2023, tình trạng ngập khi mưa đã được cải thiện, nhưng vẫn còn sình lầy.
Theo quan sát của PV, công trình taluy của dự án còn dang dở, nhiều đoạn có dấu hiệu của sạt lở, có đoạn “ăn” sát vào các công ty nằm trong Cụm Công nghiệp Uyên Hưng. “Không biết họ làm kè, taluy kiểu gì mà không đổ bê tông móng, chân trụ”, ông Nam thắc mắc.
Cũng theo ông Nam, vì lý do không đổ bê tông móng, ép trụ, những năm qua, taluy nhiều lần bị sạt lở. Còn ông Nguyễn Văn Toàn (ở lô LK6) bảo:“Đang đêm ngủ nghe cái “thình” là sáng ra thấy có đống đất”.
Lô đất ông Toàn mua và làm nhà gần taluy (đoạn giáp khu dân cư bên ngoài dự án), việc taluy hay bị sạt lở như vậy khiến gia đình ông Toàn lo lắng. Điều ông Toàn lo lắng hơn nữa là việc thi công không có biện pháp an toàn, nhất là các cống, sợ trẻ nhỏ không biết, đến gần rất nguy hiểm.
“Trong năm 2023, chủ đầu tư có đào kênh nước sát vách taluy này nên đã phần nào giúp nhà tôi đỡ ngập hơn so với mọi năm trước”, ông Toàn chia sẻ.
|
Hình ảnh được người dân chụp ngày 27/9/2022 về tình trạng ngập, lầy lội tại dự án. (Ảnh: Người dân cung cấp) |
Đưa dân vào xây nhà, sống tự phát khi dự án ngổn ngang xây dựng: Công ty Sài Gòn Center “sai chồng sai”?
Dưới cái nhìn pháp lý, luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho rằng, Công ty Sài Gòn Center có dấu hiệu của việc “sai chồng sai”.
Ở
bài 1, luật sư Lê Trung Phát đã phân tích Công ty Sài Gòn Center bán bất động sản bằng hợp đồng nguyên tắc khi chưa đủ điều kiện pháp lý là vi phạm các điều trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Vi phạm này có thể bị truy tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như phê duyệt chi tiết quy hoạch 1/500 của các cấp thẩm quyền ở Bình Dương, đây là dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn Center đã có hành vi bán đất, để khách hàng xây nhà, thậm chí còn hỗ trợ gạch, xi măng cho khách xây nhà.
Theo luật sư Phát, Điều 26 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư: “Xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án theo đúng quy hoạch chi tiết, nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuân thủ thiết kế, tiêu chuẩn diện tích nhà ở và tiến độ của dự án đã được phê duyệt”. Nghĩa là chủ đầu tư phải xây nhà rồi mới được bán, chứ không được bán đất. Việc bán đất như vậy là không phù hợp quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chủ đầu tư để khách hàng vào ở khi chưa xong hạ tầng là chưa phù hợp.
“Nếu trong quá trình người dân sinh sống, xảy ra sự cố gì liên quan hạ tầng chưa làm xong, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Phát nêu quan điểm.
|
Ảnh chụp ngày 23/11/2023 tạ một vị trí sạt lở “ăn” sát vào nhà máy trong Cụm Công nghiệp Uyên Hưng. (Ảnh: Lê Xuân Thọ) |
Đồng quan điểm với luật sư Phát, luật sư Nguyễn Đăng Tư, Công ty TNHH Luật Trilaw, nói thêm, đối với các dự án nhà ở thương mại, điều kiện để chủ đầu tư được huy động vốn đối với bất động sản hình thành trong tương lai là phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Sở Xây dựng.
“Để được Sở Xây dựng đồng ý, dự án phải xong hạ tầng kỹ thuật theo đúng giấy phép xây dựng đã cấp trước đó. Việc này nhằm đảm bảo dự án làm đúng quy hoạch, đảm bảo tốt nhất sự an toàn cho dân vào ở. Chưa xong hạ tầng mà chủ đầu tư để dân vào ở là không phù hợp các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho dân và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra”, luật Tư nói.
Đồng thời, luật sư Tư cũng lưu ý, phải xem lại trình tự thủ tục mà Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã đồng ý cho Công ty Sài Gòn Center đủ điều kiện huy động vốn đối với bất động sản hình thành trong tương lai tại Dự án Green Valley City. Bởi lẽ, dự án này chưa xong hạ tầng, mà chưa xong hạ tầng thì không thể đồng ý cho dự án đủ điều kiện huy động vốn đối với bất động sản hình thành trong tương lai được. Ngày 4/1, Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục có công văn hỏi Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương về nội dung này, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
|
Nhà ông Toàn (dấu X đỏ) gần taluy (đoạn giáp với khu dân cư) nên gia đình anh rất lo lắng vì hay sạt lở. (Lê Xuân Thọ) |
Trong khi đó, KTS.Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng, việc các dự án chưa xong hạ tầng kỹ thuật nhưng chủ đầu tư để người dân vào ở xảy ra không ít.
“Về nguyên tắc, công trình được sử dụng, tức là người dân được vào ở, thì công trình đó phải được hoàn công mới đủ điều kiện. Hoàn công là không chỉ xong hạ tầng kỹ thuật, mà bao gồm các điều kiện về an toàn khác, như phòng cháy chữa cháy chẳng hạn, phải được đảm bảo.
Cho người dân vào ở mà hạ tầng chưa đầy đủ là không khoa học, không đúng với yêu cầu của công trình, làm mất mỹ quan đô thị, có phần ảnh hưởng việc xây dựng hạ tầng. Người dân ở như vậy là bất tiện, không an toàn. Đối với những dự án nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng yêu cầu là phải xây thô, xong hạ tầng kỹ thuật mới được bán, mới được để dân vào ở”, KTS.Võ Kim Cương chia sẻ.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương phản hồi thế nào?
Đối với nội dung chủ đầu tư để người dân xây dựng nhà ở và sinh sống trên dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center (nay là Green Valley City - PV) khi chưa đủ điều kiện xây dựng, ngày 29/12/2023, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có Văn bản 4759/SXD-TTrXD trả lời Báo Tri thức và Cuộc sống như sau:
- Sở Xây dựng có Văn bản số 708/SXD-PTĐT&HTKT ngày 4/3/2022 về việc Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center và Giấy phép xây dựng số 1635/GPXD ngày 20/4/2022 về hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở Sài Gòn Center.
- Phòng Quản lý đô thị thị xã Tân Uyên có Văn bản số 17/QLĐT-TĐCP ngày 9/6/2022 về việc Thông báo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình nhà ở liền kề Dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Center làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương không cho biết rõ và cụ thể việc xem xét, đánh giá hay kết luận trong các báo cáo kết quả thẩm định trên là như thế nào!