Hiện dư luận thế giới đổ dồn mọi sự chú ý về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được tổ chức tại Singapore ngày 12/6.
Theo thông báo mới đây của Nhà Trắng, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ có cuộc gặp riêng vào đầu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
|
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un được giới chuyên gia và dư luận thế giới hết sức quan tâm. Ảnh: CNN. |
Chia sẻ về
cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bày tỏ sự tự tin về thành công của hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 12/6. Theo Tổng thống Moon Jae In, cuộc gặp trên sẽ chỉ là sự khởi đầu của quá trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên kéo dài trong nhiều năm.
“Mối quan hệ thù địch giữa hai miền và chương trình hạt nhân Triều Tiên không thể được giải quyết trong một buổi hội kiến. Sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, chúng ta cần quá trình kéo dài 1 năm, 2 năm, hoặc thậm chí lâu hơn để giải quyết triệt để các vấn đề”, Tổng thống Moon Jae In phát biểu về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều trong buổi họp hàng tuần với các cố vấn ngày 11/6.
Trước khi Tổng thống Trump có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 12/6, một số chuyên gia đã đưa ra quan điểm về sự việc đang "nóng dư luận" này.
Theo đó, một số chuyên gia nhận định ông Kim Jong-un có thể sẵn sàng bàn giao một số vũ khí hạt nhân như dấu hiệu thể hiện sự chân thành trong việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên như đã nói trước đó.
Điều này xuất phát từ việc trước khi lên đường sang Singapore, ông Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ ngừng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Để thực hiện cam kết trên, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Mời độc giả xem video: Quan chức Mỹ - Triều gặp nhau lần cuối trước Hội nghị (nguồn: VTC1).
Nhà vật lý hạt nhân Siegfried Hecker và Robert Carlin, hai chuyên gia hàng đầu về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cách đàm phán với Bình Nhưỡng, cho rằng, trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, Triều Tiên khó có thể đồng ý phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức mà cần thực hiện việc này theo các giai đoạn với sự tính toán cẩn thận để tránh xảy ra những tiềm ẩn nguy hiểm.
Theo ông Siegfried Hecker và Robert Carlin, lộ trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nên được tiến hành theo 3 giai đoạn trong hơn 10 năm. Lộ trình này sẽ bắt đầu với việc kiểm soát và đóng băng trong năm đầu tiên, giảm thiểu trong 2 - 5 năm và cuối cùng loại bỏ hoặc thiết lập giới hạn chấp nhận được về những gì còn lại.