Hành động sàm sỡ, ép hôn là hành vi quấy rối tình dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm ảnh hưởng đến tâm lý, nhân phẩm, danh dự của các nạn nhân. Tuy nhiên, không phải lúc nào công lý cũng luôn đứng về phía các nạn nhân dù các cơ quan thực thi pháp luật đã vận dụng triệt để các quy định của pháp luật.
Câu chuyện nữ sinh bị sàm sỡ, ép hôn trong thang máy ở chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một minh chứng rõ ràng nhất. Bởi hành vi của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, Hải Phòng) không chỉ khiến bản thân nữ sinh bức xúc mà dư luận cả nước cũng sục sôi căm phẫn khi chứng kiến hình ảnh clip ghi nhận lại vụ việc.
Thế nhưng mới đây, Công an quận Thanh Xuân đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với Đỗ Mạnh Hùng (SN 1982, Hải Phòng) – kẻ sàm sỡ, ép hôn cô gái trong thang máy 200.000 đồng do có hành vi "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác". Đồng thời, lập biên bản cam kết không tái phạm hành vi tương tự.
|
Cần bao nhiêu nạn nhân nữa để sửa văn bản dưới luật cho phù hợp với thực tế? |
Đây chính là mức phạt dành cho gã đàn ông đã sàm sỡ, cưỡng hôn nữ sinh kể trên. Mức xử phạt trên được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167 ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Một cô gái khi bước chân vào thang máy để lên phòng như mọi ngày. Nhưng đó lại là lần đi thang máy ác mộng nhất cuộc đời cô gái khi bị một người đàn ông ăn vận lịch sự, có học thức đã lợi dụng lúc thang máy công cộng vắng người để sàm sỡ, ép hôn với cô gái bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ từ phía nạn nhân.
Hành vi ấy không chỉ là hành vi bất lịch sự mà gọi đúng tên đó là hành vi vô văn hóa, vô đạo đức, vô liêm sỉ, coi thường pháp luật của “kẻ biến thái”.
Đó không phải hành vi trêu ghẹo hay đùa giỡn bởi nạn nhân và người đàn ông lạ mặt không hề quen biết nhau mà đó là hành vi cố tình xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác để thỏa mãn với những dục vọng thấp hèn của những kẻ có suy nghĩ lệch lạc, “coi trời bằng vung”.
“Kẻ biến thái” ấy chỉ thừa nhận hành vi của mình khi dư luận gay gắt lên tiếng và nạn nhân có đơn trình báo cơ quan công an. Tuy nhiên, “kẻ biến thái” này vẫn thể hiện sự nhởn nhơ, coi thường người khác không cảm thấy ăn năn, hối hận vì hành vi vô nhân tính mà hắn gây ra cho nạn nhân. Hắn vẫn thường xuyên chủ động liên lạc với cô gái một cách thân thiết nhưng lại liên tục hủy các buổi xin lỗi công khai với nạn nhân như đã hẹn. Bức xúc đến mức, nạn nhân cảm thấy mình như đi “van xin lời xin lỗi” của kẻ đã giở trò đồi bại với mình và không cần lời xin lỗi, yêu cầu cơ quan công an xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mức phạt 200.000 đồng đối với hành vi sàm sỡ, cưỡng ép cô gái để hôn của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng khiến dư luận bất bình. Bởi đây không phải là vụ việc đầu tiên nạn nhân bị quấy rối.
Thời gian qua, không ít vụ việc khiến dư luận bức xúc mà vẫn áp dụng một nghị định với mức phạt không đủ sức răn đe để xử lý khiến dư luận nhiều lần thất vọng bởi khiến người ta cho rằng phẩm hạnh người phụ nữ chỉ có giá 200.000 đồng.
Câu chuyện ông Nguyễn Bình Triệu (SN 1979, trú tại Khu phố 2, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, Quảng Trị), chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong khi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nữ đồng nghiệp nhưng cũng chỉ bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng đã từng khiến dư luận thất vọng. Bởi sau quá trình điều tra, Công an huyện Triệu Phong xác định ông Triệu dùng sức mạnh ôm, giữ chị L.A. Sau đó, ông Triệu hôn, cắn vào vùng môi của chị L.A., dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm”. Nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi muốn giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với chị L.A, mà chỉ nhằm mục đích trêu ghẹo, sàm sỡ.
Hay như hơn chục bé gái ở một trường tiểu học tại Bắc Giang bị thầy giáo vỗ mông, sờ đùi cũng không thể cấu thành tội dâm ô trẻ em.
Nếu ở các nước phương Tây, hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục được xem là trái pháp luật và có những chế tài xử lý cụ thể với từng mức độ hành vi thì tại Việt Nam hành vi quấy rối tình dục lại thường bị bỏ qua nếu nó chưa thực sự gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hơn nữa hậu quả của hành vi rất khó để chứng minh.
Khi không đủ căn cứ để xử lý hình sự, thì sẽ xử phạt hành chính theo nghị định. Tuy nhiên, mức phạt nhẹ không đủ sức răn đe làm rấy lên lo ngại đối với các chị em phụ nữ khi đi ra nơi công cộng, trong thang máy, ngoài đường...Bởi ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể hiển hiện những “kẻ biến thái”. Cô gái bị sàm sỡ trong thang máy được camera ghi lại còn gây phẫn nộ xã hội mà chỉ bị xử phạt cho có thì với những nơi đường vắng, các nạn nhân biết tìm công lý ở đâu?
Khi cưỡng ép để hôn cô gái trong thang máy vốn được xem là hành vi tấn công tình dục nhưng không cấu thành tội phạm? Khi hình phạt không đủ sức răn đe tạo nên những hệ quả xấu thì những nạn nhân của các vụ tấn công tình dục nhưng chưa đến mức hiếp dâm, làm nhục người khác thì rõ ràng việc có thêm các nạn nhân là điều tất yếu sẽ xảy ra?
Muốn ngăn chặn những hành vi tương tự, đảm bảo quyền của người phụ nữ, cần phải sửa đổi cả các văn bản dưới luật cho phù hợp với thực tế như tăng nặng mức phạt để đủ sức răn đe. Bởi mức phạt quá nhẹ bộc lộ chất lượng xây dựng các văn bản dưới luật kém, khó cho quá trình xử lý trong thực tế.