|
Ảnh minh họa. |
Nếu đó không phải là những đồng tiền không trong sạch thì đồng lương có đảm bảo nổi không? Chắc chắn là cán bộ không thể giàu có từ lương rồi. Vì thế mà lòng tin của người dân chúng tôi vào nhiều cán bộ cũng giảm đi mấy phần.
Lâu nay, chuyện mua quan bán chức, lo lót để được vào làm trong cơ quan nhà nước vẫn được báo chí, những người có trách nhiệm nhắc đến, như một vấn nạn nhức nhối trong xã hội mà vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Liên hệ với những câu chuyện cán bộ có lối sống giàu sang, xa hoa so với thực tế tiền lương mang lại, có thể cắt nghĩa phần nào lý do của sự chạy chức chạy quyền ấy. Là bởi vì, khi đã có chức quyền rồi, người ta sẽ dễ có cơ hội làm giàu, được sống sung sướng. Thực tế đó thật đáng buồn!
Đúng như ông Ngô Minh Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ An ninh, Ban Nội chính Trung ương đã nói, đó là những người không biết vì dân, không biết nghĩ cho dân. Bởi nếu biết nghĩ, họ đã chẳng thể thờ ơ mà sống vương giả. Cán bộ là công bộc của dân, phải lo cho đời sống của dân được nâng lên. Đằng này, thực tế cho thấy, nhiều cán bộ lên nắm chức quyền chỉ chăm chăm lo vun vén về cho mình, cho gia đình, cho phe cánh của mình. Đấy đâu còn là công bộc của dân nữa!
Vẫn biết, cán bộ của ta vẫn còn rất nhiều người tốt, thực sự vì dân. Nhưng khi mà những "gương" cán bộ giàu có vẫn bị báo chí phanh phui, người dân sống xung quanh hiểu rõ thì rõ ràng, cái nhìn của người dân vào đội ngũ cán bộ nói chung cũng có ít nhiều thay đổi, thiếu thiện cảm.
Thiết nghĩ, các cơ quan đảng, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự tổng kiểm tra với đội ngũ cán bộ để xem họ có trung thực với bản kê khai tài sản không. Nếu phát hiện cán bộ sai phạm, cần phải xử lý nghiêm minh, phải điều tra cho được những tài sản của họ do đâu mà có để xử lý thích đáng. Những tài sản ấy nên sung vào công quỹ.
Niềm tin của dân vào Đảng, vào Nhà nước thể hiện qua niềm tin, lòng tin vào cán bộ. Vì thế, không có cách gì khác, chúng ta phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ mà thôi.