|
Ảnh minh họa. |
Đấy, cứ đổ cho trẻ con ngày nay lười học văn, ghét học sử, viết văn thì lủng cà lủng củng, tác phẩm văn học thì không chịu đọc... Nhưng có lẽ sự ghét học văn này nên nhìn từ phía ngược lại: Người dạy đã thực sự tâm huyết chưa, đã dạy hay chưa? Nếu thầy dạy hay mà trò vẫn chán học thì lúc ấy mới nên xét tới lỗi của trò.
Hồi chúng tôi học lớp 12, có một thầy giáo dạy văn rất hay. Có lần thầy dạy bài Ông lão chăn bò trên núi Thắm, thầy khóc, cả lớp im thin thít nghe như nuốt từng lời. Những bài giảng của thầy đọng mãi trong tôi đến bây giờ. Chả bù cho hồi lớp 10 chúng tôi được học một cô giáo khác, không hiểu sao mà đến giờ của cô, cứ vào lớp là mắt chúng tôi díu cả lại, buồn ngủ kinh khủng, không thể nghe giảng được gì nữa.
Nhà văn Hoài Thanh đã từng nói, ông thích nhất là được dạy học và bình thơ. Tôi thấy ghen tị với những người thầy dạy văn yêu nghề như vậy. Những cái đẹp của một tác phẩm, một áng văn hay mình cảm nhận được đã là một niềm vui, một niềm hạnh phúc lắm rồi. Đằng này mình lại được truyền đạt những cảm xúc đó với những người khác để họ cùng cảm nhận, cùng chia sẻ... thì niềm vui sẽ nhân lên rất nhiều. Đặc biệt, với học sinh, một bài giảng văn hay còn thắp lên ngọn lửa say mê văn học, say mê cái đẹp trong tâm hồn chúng. Đó mới chính là mục tiêu, là cái ý nghĩa đích thực của nghề dạy học.
Và với học sinh, thích nhất là được học văn với những thầy giỏi, giảng văn hay. Với chúng, thầy dạy văn hay không khác gì một thần tượng, chúng say mê nghe, nhớ từng câu từng lời thầy, làm theo, đọc theo... Nhưng tiếc là từ trước đến nay những người dạy văn hay không nhiều. Những đứa trẻ cứ phải học thuộc lòng những bài bình giảng đã được in đi in lại hết trong sách giáo khoa lại đến sách tham khảo như thế thì còn gì là hứng thú. Chúng không được sống trong những bài giảng sinh động với những giáo viên giảng say sưa đầy cảm hứng.