Nhân viên BV “trục lợi” tiền khám chữa bệnh: Cần xem xét lại công tác quản lý cán bộ

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm hành vi đưa bệnh nhân chụp cộng hưởng từ “chui” không có giấy tờ thanh toán, không nộp lại tiền của 5 nhân viên bệnh viện đã có dấu hiệu phạm tội “Lạm quyền” trong khi thi hành công vụ.

Theo thông tin, vào ngày 29/3, có 4 bệnh nhân đến Phòng khám của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam (đường Trường Chinh, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), để khám chữa bệnh.
Tại đây, những bệnh nhân được gặp bác sĩ Trương Thị Phương Lan, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, để nhờ khám. Tiến hành thăm khám, bác sĩ Lan yêu cầu các bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ, thế nhưng phí tiền chụp lại phải đưa trực tiếp cho bác sĩ và không có hóa đơn, chứng từ.
Ngoài bác sĩ Lan, ê-kíp này còn có 4 bác sĩ, nhân viên khác gồm: Bác sĩ Hoàng Xuân Nam, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh; kỹ thuật viên trưởng Tạ Minh Châu, Khoa Chẩn đoán hình ảnh; kỹ thuật viên Phạm Tuấn Anh và một nhân viên hợp đồng Khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Nhan vien BV “truc loi” tien kham chua benh: Can xem xet lai cong tac quan ly can bo
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. 
Tổng số tiền mà 4 bệnh nhân trên phải chi là 6,8 triệu đồng (1,7 triệu đồng/người). Khi nhóm bác sĩ, nhân viên trên đang thực hiện hành vi sai trái của mình đã bị Công an tỉnh Hà Nam bắt quả tang và ngay lập tức ra lệnh tạm giữ do hành vi lạm dụng quyền trong thi hành công vụ.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội nhìn nhận, đây là vụ việc rất nghiêm trọng xảy ra trong công tác quản lý khám chữa bệnh cho người dân gây ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện và quan trọng hơn là suy giảm niềm tin của người dân với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế.
“Các đối tượng trong vụ việc này đều là những người có chức vụ quyền hạn (Bác sỹ, Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, nhân viên y tế) được Bệnh viện được giao nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân theo chức năng công việc của mình. Các đối tượng vì động cơ vụ lợi đã vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho Bệnh viện. Đáng lẽ ra số tiền này phải được nộp vào Bệnh viện theo quy định của pháp luật nhưng các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền này để chia nhau. Xét hành vi của các đối tượng trong vụ việc này đã có dấu hiệu phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 357 BLHS 2015”, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết.
Vị luật sư nhận định, đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất. Để có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự, các cơ quan tố tụng cần làm rõ hành vi chiếm đoạt tiền của Bệnh viện phải từ 10 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.
“Theo thông tin khi bắt quả tang hành vi vi phạm của các đối tượng nhận tiền của 04 bệnh nhân với số tiền 6,8 triệu đồng. Nếu trong quá trình điều tra, có căn cứ xác định các đối tượng đã nhiều lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền trong suốt một thời gian dài với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với định khung tăng nặng theo trị giá tiền chiếm đoạt”, Luật sư Thơm cho hay.
Luật sư Thơm cho rằng, hành vi vi phạm của các đối tượng chỉ vì lợi ích các nhân, cấu kết với nhau để thu tiền của bệnh nhân trái chức năng nhiệm vụ của mình gây thiệt hại cho Bệnh viện nên nếu đủ dấu hiệu tội phạm thì cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Để các đối tượng này thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của Bệnh viện trong suốt một thời gian dài thì cần xem xét lại công tác quản lý cán bộ cũng như hệ thống quản lý thu tiền khám bệnh để hạn chế việc thất thoát tiền bạc gây ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện.
Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)