Một vấn nạn gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua, đó chính là tình trạng "tín dụng đen" đòi nợ thuê lộng hành khắp nơi, thách thức cơ quan công quyền, đẩy bao gia đình vào cảnh điêu đứng, nhà tan cửa nát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội.
Con số thống kê chưa đầy đủ mà Bộ Công an mới công bố gần đây khiến không ít người giật mình khi chỉ trong 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”.
Đáng chú ý, có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).
Đáng chú ý, chưa dừng lại ở những con số trên, tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” có chiều hướng ngày càng phức tạp như hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra tấp nập hầu hết ở các địa phương, kể cả những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông và tính lưu động của các băng nhóm liên quan đến tín dụng đen, hoạt động của các đối tượng hình sự gốc Bắc di chuyển vào Nam, Tây Nguyên và những nơi có chủ trương thành lập đặc khu kinh tế, “tín dụng đen” đang len lỏi đến cả vùng nông thôn và được ví như “cướp ngày” gây bất ổn trong xã hội, dẫn đến nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, đáng chú ý là các hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Mới đây khi thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) khi đề cập đến “tín dụng đen” đã thẳng thắn nói rằng: “Ngay trên tuyến phố lớn, phố đẹp, tín dụng đen quảng cáo rao vặt công khai với cái gọi là hỗ trợ tài chính, vay nhanh, trả gọn, cầm đồ, bát họ... Nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn”.
Cũng theo đại biểu Ngọ, không ít người đã bị hăm dọa, đánh đập bắt giữ, có những gia đình tan nát vì tín dụng đen. Bản thân các cơ sở tín dụng đen do tranh dành ảnh hưởng thị phần nên đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả thanh toán, tín dụng đen cũng là mảnh đất dung dưỡng những đối tượng tiền án, tiền sự nay tiếp tục dấn thân vào con đường tội phạm.
Con số 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” dù là con số đáng báo động nhưng chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bởi trên thực tế, tín dụng đen đã có mặt ở khắp nơi núp bóng các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính…Thậm chí nhiều cá nhân riêng lẻ cũng có biểu hiện cho vay tài chính bất hợp pháp.
Những vụ việc phạm pháp liên quan đến tín dụng đen đã bị công an triệt phá khi các đối tượng vi phạm các hành vi hình sự như bắt giữ người trái pháp luật; sử dụng vũ khí, đánh đập, đe dọa để siết nợ, đòi nợ thuê, thậm chí giết người.
Còn đại đa số những vụ việc các đối tượng đã “khủng bố tinh thần”, như: ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài trước nhà “con nợ”; gây sức ép khi đòi nợ; truy sát “con nợ” gây hoang mang, lo sợ, khiến “con nợ” bỏ trốn, tự sát để trốn nợ thường ít bị xử lý nghiêm khắc bởi ranh giới giữa xử lý hình sự và xử lý hành chính. Hơn nữa, nhiều “con nợ” là nạn nhân vì lo sợ không dám tố cáo, trong khi cơ quan công an chỉ nghĩ đó là các tranh chấp dân sự nên ít khi đi đến tận cùng để làm rõ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tội phạm “tín dụng đen” có mảnh đất màu mỡ để vươn “vòi bạch tuộc”. Trong đó nguyên nhân chính vẫn là hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này còn nhiều kẽ hở, có thể thấy những đối tượng liên quan đã lợi dụng pháp luật và nhu cầu vay vốn để lôi kéo khiến người vay mắc vào cạm bẫy.
Ngay theo quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự và mức thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Như vậy, vay 50 triệu đồng lãi suất 20%/tháng trả 2 tháng cả gốc và lãi 70 triệu đồng vẫn chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, trong khi chưa có quy định xử lý hành chính về hành vi này.
Trong khi đó, trách nhiệm của ngành Công an chưa được quy định rõ và nếu những cơ sở này có vi phạm nhưng không đến mức phải xử lý hình sự thì lực lượng Công an lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Mặt khác, nhu cầu vay nóng của người dân vẫn còn rất cao trong khi người dân không thể vay ngân hàng khi không có tài sản thế chấp, không chứng minh được thu nhập. Bởi ngay các ngân hàng, để đảm bảo an toàn cho mình cũng tạo ra những rào cản khiến nhóm đối tượng có thu nhập thấp rất khó có khả năng vay được tiền.
Bởi vậy, dù biết là lãi cao nhưng người dân vẫn tìm đến các hoạt động “tín dụng đen” như một sự cứu cánh. Chưa kể đến, những người ham mê cờ bạc, thua cá độ bóng đá, ăn chơi, nghiện ngập cũng tìm đến dịch vụ tín dụng đen để vay “nóng”.
Trước tình trạng đáng báo động liên quan tín dụng đen, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018 được tổ chức sáng ngày 3/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen” để loại trừ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
Dư luận đặt ra câu hỏi, làm cách nào để triệt bỏ tình trạng tín dụng đen?
Để dẹp bỏ vấn nạn “tín dụng đen”, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định mở đợt cao điểm tấn công trấn át tội phạm tín dụng đen trên toàn quốc.
Lực lượng công an các tỉnh thành đã liên tiếp triệt phá nhiều vụ án liên quan đến tín dụng đen.
Trong đó, đáng chú ý là vụ triệt phá băng nhóm tội phạm về “tín dụng đen” với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố của Công an tỉnh Thanh Hoá hay như vụ Phòng 4 Cục cảnh sát hình sự ( Bộ Công an) vừa triệt phá băng giang hồ tổ chức đánh bạc, đòi nợ thuê... do Lâm Thanh Vũ (tức Vũ Bông Hồng) cầm đầu, để điều tra về hành vi Đánh bạc vàTổ chức đánh bạc.
Băng nhóm này hoạt động với hàng loạt dấu hiệu: bảo kê, "tín dụng đen", cho vay nặng lãi. Ngoài ra, tại các tỉnh thành khác, nhiều băng nhóm liên quan hoạt động tín dụng đen cũng đã bị triệt phá.
Cùng với đó, sắp tới, Bộ Công an sẽ tham mưu đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
Phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố chủ động đề xuất UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tại địa phương thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an chủ trì, thường xuyên tổ chức kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê (kể cả có phép và không phép) nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.
Rà soát các ngành nghề thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, để dẹp bỏ tín dụng đen còn cần nhiều yếu tố khác như các ngân hàng cần xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu tín dụng chính đáng của người dân. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân để tránh mắc vào vòng xoáy tín dụng đen và muốn nâng cao ý thức của người dân thì phải cần sự vào cuộc của toàn xã hội.