Như đã thông tin ở những bài viết trước (
đọc thêm), ở xã Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La) xảy ra tình trạng xẻ đồi, khoét núi khai thác khoáng sản Talc trái phép. Vụ khai thác lén khoáng sản này đã làm thay đổi, biến dạng hoàn toàn địa hình đồi núi, khiến tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”.
“Ông trùm” khai thác khoáng sản liệu đã khắc phục hậu quả?
Sau cuộc làm việc với đại diện UBND huyện Bắc Yên liên quan đến vấn đề này, PV Báo Tri thức và Cuộc sống được biết, ông trùm” khai thác khoáng sản Talc trái phép ở xã Hồng Ngài được xác định là Hán Bình Thủy, sinh năm 1985, thường trú tại khu 7, Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Ngày 15/10/2021, đoàn kiểm tra của UBND huyện Bắc Yên đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Thủy.
Đến ngày 1/11/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu ban hành quyết định số 2662 về việc xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản đối với ông Hán Bình Thủy.
|
Báo cáo kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản tại xã Hồng Ngài, được Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Lê Văn Kỳ ký ngày 11/11/2021 gửi UBND tỉnh Sơn La |
Cụ thể, ông Thủy bị phạt tiền 300 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản (quặng Talc) mà không có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thầm quyền.
Hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác đang tập kết tại thị trấn Bắc Yên, quy đổi thành tiền là 126 triệu đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền mà ông Thủy bị phạt là 426 triệu đồng.
Các biện pháp khắc phục hậu quả, đình chỉ ngay các hoạt động khai thác khoáng sản (quặng Talc) tại xã Hồng Ngài; buộc phải thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn hơn…
Tại báo cáo kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản tại xã Hồng Ngài, được Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Lê Văn Kỳ ký ngày 11/11/2021 gửi UBND tỉnh Sơn La, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, đến thời điểm báo cáo ông Hán Bình Thủy đã nộp đầy đủ số tiền theo quy định vào kho bạc nhà nước huyện Bắc Yên; UBND huyện Bắc Yên đã tiến hành bàn giao trả lại tang vật cho ông Hán Bình Thủy.
“Ông Hán Bình Thủy đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp khắc phục hậu quả như trong quyết định đã nêu”, ông Lê Văn Kỳ nêu trong báo cáo.
|
Đống khoáng sản Talc ở mỏ ngoài ngay cạnh ngã 3 lối rẽ vào hang A Phủ (Ảnh chụp ngày 30/11) |
|
Nay đã được thu dọn sạch sẽ. Người dân quanh đây cho biết, không biết đơn vị nào đã vào bốc hết và chuyển đi (Ảnh chụp ngày 15/12) |
Ngày 30/11 PV Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận tại hiện trường hai mỏ khai thác khoáng sản Talc trái phép ở xã Hồng Ngài vẫn còn những hố đào khoét nham nhở sâu vào lòng đất cả chục mét, làm thay đổi, biến dạng hoàn toàn địa hình đồi núi.
Ngoài ra, ở hai mỏ vẫn còn những đống đất Talc chất cao ngổn ngang mà các đối tượng chưa kịp vận chuyển sau khi “băm nát” một diện tích đồi núi.
Trong khi đó, bãi tập kết talc ở đầu thị trấn, đã được dọn sạch sẽ.
Ngày 15/12, làm việc tại UBND huyện Bắc Yên, đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện cho biết, thời gian gần đây không thấy ông Hán Bình Thủy xuất hiện tại địa phương.
Tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm của “ông trùm” trong việc phục hồi môi trường đã khai thác (xã Hồng Ngài), chắc chắn, ông Hán Bình Thủy sẽ phải thông báo cho huyện để chứng kiến sự việc, đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bắc Yên xác nhận sẽ thúc giục ông Hán Bình Thủy, và sẽ thông báo lại với PV.
Lượng khoáng sản talc trong Hồng Ngài bốc hơi đi đâu?
Khi PV quay trở lại hiện trường khai thác. Ở mỏ trong, hiện trạng vẫn giữ nguyên như lần đi thực tế ngày 30/11. Nhưng ở mỏ khai thác phía ngoài, đoạn ngay ngã 3 lối rẽ đi hang A Phủ, trước đó tồn tại 1 đống khoảng sản Talc to đùng chất cao , nay đã bị thu dọn sạch sẽ.
Cũng ở mỏ phía ngoài này, ngay đoạn núi bị khoét sâu lở loét, thì ai đó đã “lấp” bằng một đống đất tạm bợ, nham nhở.
|
Núi đất chỗ mỏ ngoài, bị khoét sâu lở loét (Ảnh chụp ngày 30/11) |
|
Nay đã có ai đó đắp lên tạm bợ (Ảnh chụp ngày 15/12) |
Một người dân gần đó lắc đầu ngán ngẩm: “Tôi không rõ ai đã bốc đi, nhưng gần đây thấy xe tải thi nhau vào và chở nốt số khoáng sản còn lại ra ngoài. Đống đất này, chỉ cần có cơn mưa lớn, không biết bùn đất nó có trào hết ra đường không nữa ”.
Đáng chú ý, trong chiều tối ngày 15/12, chiếc máy cẩu đỗ ngay mỏ khoáng sản phía ngoài chỗ ngã 3 hang A Phủ, có dán chữ Công ty CPDTXD Công trình 18, đã bò ra đường bê tông, xuất hiện 1 chiếc xe bán tải biển số Phú Thọ, và chiếc xe công trình biển số Hà Nội đỗ ngay ở đó, chuẩn bị để chở chiếc máy cẩu ra ngoài.
Ngay lập tức, đám đông thanh niên người H’Mông nhanh chóng xuất hiện, vây lấy 3 chiếc xe, yêu cầu giữ nguyên hiện trường.
Tìm hiểu được biết, sở dĩ người dân ở đây làm vậy, vì chủ công trình không chịu thanh toán cước phí vận chuyển cho họ.
|
Người dân Hồng Ngài vây lấy 3 phương tiện, nhất quyết không cho chuyển thiết bị ra ngoài một khi chủ công trình chưa thanh toán cước phí vận chuyển cho họ (Ảnh chụp ngày 15/12) |
Một thanh niên tên Sềnh cho hay, trước chủ công trình khoán cho họ mỗi chuyến chở khoáng sản ra ngoài thị trấn có giá 900 ngàn đồng. Đang vận chuyển thì có lệnh dừng, không khai thác mỏ nữa, chủ công trình cũng không thanh toán cho họ.
Theo anh Sềnh, tổng tiền mà chủ công trình đang nợ là 60 triệu đồng. Chính bản thân anh Sềnh và những người tham gia vận chuyển khoáng sản Talc cũng đều bị biến thành con nợ (Nợ tiền dầu, tiền thuê phương tiện…), nên họ vây lấy nhất quyết không cho vận chuyển chiếc máy cẩu ra khỏi hiện trường.
PV thắc mắc: 2 bãi tập kết ở ngoài thị trấn, trong Quyết định xử phạt của UBND tỉnh Sơn La, đã hóa giá 126 triệu đồng. Vậy, đống khoáng sản ở mỏ chỗ Hồng Ngài bên nào đã vận chuyển ra ngoài? Vận chuyển đi đâu? Người dân Hồng Ngài đều bảo không biết, chỉ thấy xe tải vào bốc hết và chở đi.
PV Tri thức và Cuộc sống đã thông báo sự việc người dân bao vây các phương tiện cho Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bắc Yên. Đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường cho biết đã tiếp nhận và sẽ nhanh chóng xử lý.
Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.