Chỉ còn đúng 1 tuần nữa, World Cup 2018 sẽ khởi tranh tại Nga. Theo xác nhận của FIFA, 218/219 quốc gia trên thế giới, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới chưa có bản quyền phát sóng World Cup 2018.
Đến thời điểm hiện tại, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, cuối cùng đài truyền hình Việt Nam (VTV) cũng đã đạt được thoả thuận mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 và dự kiến sẽ ký hợp đồng vào hôm nay, 8/6.
Thông tin trên khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện bản quyền World Cup 2018 khiến dư luận sốt xình xịch suốt thời gian qua vẫn còn nhiều câu hỏi của người hâm mộ về sự chậm trễ của VTV.
Trước đó, nói về bản quyền truyền hình World Cup 2018 chưa chốt dù đã sát giờ G, ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài THVN; Đại diện phát ngôn của VTV cho biết, vướng mắc lớn nhất chính là giá cả. Giá cả từ phía Infront Sports & Media (ISM) - Công ty nắm quyền phân phối tại khu vực đưa ra là quá cao so với khả năng tài chính của VTV. Quan điểm của VTV là nỗ lực mua bản quyền phát sóng World Cup 2018 để phục vụ người dân cả nước, tuy nhiên, sẽ không bằng mọi giá phải mua bản quyền mà chỉ mua với mức giá phù hợp với khả năng tài chính.
|
Ảnh minh họa. |
Ông Nguyễn Hà Nam cho rằng, Đài THVN luôn rất quan tâm tới vấn đề bản quyền phát sóng World Cup 2018 và thể hiện mọi nỗ lực đàm phán với phía đối tác. VTV đã đeo đuổi việc đàm phán bản quyền World Cup 2018 từ năm 2016 và trong 8 tháng trở lại đây, việc đàm phán đã diễn ra hết sức căng thẳng.
Trong khi VTV chưa có bản quyền phát sóng giải đấu, người hâm mộ cả nước vẫn dõi theo và đưa ra câu hỏi: "Liệu khán giả có được theo dõi trực tiếp các trận đấu tại World Cup 2018 hay không?", bởi giải đấu lớn nhất hành tinh từ lâu đã là món ăn tinh thần không thể thiếu của hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam.
Người hâm mộ cũng đưa ra khả năng, VTV đã thương thảo xong bản quyền World Cup 2018 nhưng ém đi nhằm mục đích khác tuy nhiên theo một số chuyên gia phân tích, nếu họ làm điều này sẽ thiệt hại vì các doanh nghiệp không thể chi số tiền lớn sát giờ bóng lăn.
Khả năng nữa là VTV khẳng định sẽ không bằng mọi giá phải mua bản quyền để tạo sức ép lên ISM, buộc ISM phải nhân nhượng nếu không muốn trắng tay.
Trên thực tế, VTV sở hữu bản quyền World Cup 2018 có thể khai thác kinh doanh nhằm cân đối thu – chi và kiếm lời. Nhưng quan trọng hơn, VTV sẽ phục vụ được những người hâm mộ cả nước. Bởi người dân có quyền được xem giải bóng đá lớn nhất hành tinh này.
Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về việc có hay không VTV quá thụ động trong việc mua bản quyền World Cup 2018 mà đáng lẽ ra phải chủ động kết hợp các nhà đài, doanh nghiệp từ sớm chứ không phải “nước đến chân mới nhảy” để chờ giảm giá? Bởi trong trường hợp gặp khó khăn về giá cả, VTV hoàn toàn có thể bắt tay cùng các nhà đài nhưng chưa làm được dù Đài truyền hình TP.HCM (HTV) gửi văn bản sang VTV để nói về chuyện hợp tác cùng nhau mua bản quyền truyền hình World Cup 2018.
Ngay các nước Đông Nam Á, các nhà đài đã bắt tay nhau để cùng mua bản quyền giải đấu này như Thái Lan có 3 nhà đài TrueVisions, Amarin TV và Channel 5 cùng mua để phát sóng. Singapore có 3 hãng truyền thông lớn là Mediacorp, Singtel và StarHub chung tay mua. Singapore có 3 hãng truyền thông lớn là Mediacorp, Singtel và StarHub chung tay mua. Thực tế, năm 2006, VTV cũng từng chủ động bắt tay với HTV để mua bản quyền truyền hình World Cup tại Đức. Do vậy, dư luận lại đặt ra câu hỏi: “VTV muốn độc quyền phát sóng giải đấu này tại Việt Nam?".