Gần đây, trên mạng xã hội facebook xôn xao trước một vài thông tin “kêu gọi cộng đồng cảnh giác với chiêu trò ủng hộ nước mắm truyền thống…”, được đăng tải trên fanpage có tên Ban tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gây hoang mang dư luận.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV thì fanpage facebook chỉ mới được lập vào ngày 10/3/3019. Mặc dù vậy, bài viết được đăng tải trên trang này vẫn thu hút hàng nghìn lượt thích và lượt bình luận trái chiều.
Trước sự việc, khẳng định với báo giới ông Nguyễn Huy Ngọc - Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương không có và không sử dụng tài khoản facebook nào như thế.
|
Fanpage facebook giả mạo Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. |
“Thời gian qua có nhiều tài khoản trên mạng xã hội mạo danh các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, trong đó có Ban Tuyên giáo Trung ương. Việc giả mạo như vậy tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan, vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng, đăng tải nội dung thông tin… Những việc làm sai trái nêu trên cần phải bị lên án, đấu tranh mạnh mẽ nhằm làm trong sạch, lành mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội, internet”, - ông Ngọc nhấn mạnh với báo giới.
Vị Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng tải những trang thông tin giả mạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông tích cực, chủ động tham gia vào việc đấu tranh, phản bác với những hành vi giả mạo, đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, có tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân… để bạn đọc, người dân hiểu, có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng hiện nay.
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc giả mạo facebook Ban Tuyên giáo TW, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, sở dĩ có các trang thông tin giả mạo nói trên là do hiện nay đang có cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp.
Các cơ quan có thẩm quyền đang lấy ý kiến về việc xây dựng Tiêu chuẩn nước mắm để làm căn cứ cho các sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp và nước mắm truyền thống và đảm bảo cho sự lựa chọn minh bạch đối với người tiêu dùng.
Theo luật sư Tú, các cơ quan quản lý cần sớm có quy định cụ thể về các loại nước mắm, nước chấm đang lưu thông trên thị trường hiện nay và tăng cường kiểm tra quy trình sản xuất, chất lượng thực so với nội dung ghi trên nhãn mác đồng thời công bố rộng rãi kết quả kiểm tra, xử lý với người tiêu dùng.
Theo đó, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh - Bộ Công Thương) cần kiểm tra, tăng cường hậu kiểm đối với việc rõ ràng minh bạch thông tin về chất lượng cũng như nhãn mác của các sản phẩm và có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận đầy đủ thông tin để lựa chọn các sản phẩm phù hợp cho mình,
Luật sư Tú cũng cho hay, việc giả mạo trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013.
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo trang thông tin điện tử, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu theo một hoặc những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự.