Đừng bắt con chúng tôi làm anh hùng nhí!

Google News

Tôi muốn con tôi là một đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo; lớn lên là người đàn ông tỉnh táo, điềm đạm, và lịch duyệt.

Con người đó chắc chắn biết trân trọng và bảo vệ giá trị, trong đó có đất nước mà không cần sự nhào nặn nào từ trứng nước.

Những tranh luận về việc đưa thông tin lịch sử, cụ thể là cuộc chiến tranh năm 1979 vào sách giáo khoa đang thu hút sự chú ý. Nhân đây - với tư cách một phụ huynh học sinh - tôi muốn bàn thêm về cách giảng dạy - đề cập lịch sử trong cấp tiểu học.

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, quyền Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH SP TP.HCM và thầy giáo Trần Đình Phúc: Lịch sử cần được tôn trọng, chúng ta không thể im lặng trước những sự thật. Nếu lịch sử không được giảng dạy chính thống sẽ còn nguy hại hơn vì với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các em có quá nhiều điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin.

Tôi không dám lạm bàn về chuyên môn khoa học của các nhà giáo dục và sử học. Với cương vị một người mẹ, tôi chỉ muốn nói đến cách đặt vấn đề lịch sử tác động đến con chúng tôi như thế nào.

Con trai tôi 10 tuổi, học lớp 4, chương trình học đại trà của Bộ Giáo dục - Đào tạo soạn thảo, năm đầu tiên tiếp cận 2 môn học Lịch sử - Địa lý ở mức sơ lược. Nhưng vấn đề tôi muốn bàn nằm ở một bài học Văn: "Những chú bé không chết".

Khi được yêu cầu giúp đỡ con học thuộc nội dung và phân tích ý nghĩa bài văn, tôi đã rất bối rối khi phải tìm từ ngữ và cách giải thích cho cháu, cùng một câu hỏi trong lòng: những nhà giáo dục đang làm gì con chúng tôi thế này?

Văn là người, học văn là học làm người, học về cái đẹp, tính nhân văn, chân thiện mỹ... ai cũng hiểu như vậy. Vậy sao một câu chuyện toàn những "tàn sát đẫm máu", "bọn phát xít", "tra tấn dã man" rồi "treo cổ" không phải một mà ba đứa trẻ lại được những nhà giáo dục chọn đưa vào sách giáo khoa.

Những đứa trẻ lớp 4 còn quá non để hiểu về những quân ta quân địch, đánh giết nhau, những cuộc tranh chấp ý thức hệ hay chủ nghĩa này khác. Nói đúng hơn, một đứa trẻ có nhiều cái đáng học hơn để làm người trước khi làm anh hùng: những mẩu chuyện bình dị về các danh nhân, quan hệ bạn bè gia đình, văn hóa quê hương đất nước... "Tinh thần yêu nước nồng nàn" sẽ tự nhiên từ đó mà nảy mầm, chứ không phải ở những câu chuyện chết chóc mà ngay mẹ của chúng cũng không cắt nghĩa nổi.

 Ảnh bài học Những chú bé không chết trong sách giáo khoa.

Trẻ em như búp trên cành - nhưng phải hy sinh trong cuộc chiến là một tình huống đớn đau và bất đắc dĩ, không phải để cổ vũ, với bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới này.

Trong lịch sử có một thứ bất biến là thông tin, nhưng những quan điểm và trạng thái quan hệ có thể thay đổi. Cái trẻ cần được dạy chỉ nên là thông tin khách quan, tỉnh táo và rõ ràng. Ý thức hệ hay bất kỳ lý do nào dẫn đến những cuộc chiến, đều thuộc về thế giới người lớn, không nên xuất hiện trong vườn trẻ.

Không có con người anh hùng, chỉ có tình huống tạo anh hùng. Bài học đầu tiên của người học võ là: học võ để tự vệ, không để tấn công! Tôi muốn con tôi là một đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo; lớn lên là người đàn ông tỉnh táo, điềm đạm, và lịch duyệt. Con người đó chắc chắn biết trân trọng và bảo vệ giá trị, trong đó có đất nước mà không cần sự nhào nặn nào từ trứng nước.

Một chuyên gia giáo dục từng thốt lên: "Chúng ta cố dạy trẻ căm thù thực dân Pháp, nhưng căm thù đến mức không cần biết Victo Hugo là ai thì chúng ta đã thất bại".

Hoàn toàn chính xác!

 Luật sư Đào Quốc Huy, Văn phòng luật sư Đồng Đội, cũng là một phụ huynh học sinh tiểu học:

Đến nay nước ta đã có luật Giáo dục, điều 28, khoản 1 có đoạn:

"Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật"

Như vậy ý thức về việc giáo dục của mỗi bậc phụ huynh và Luật cơ bản là giống nhau, thậm chí không cầu kỳ như câu trả lời của mọi người ở trên.

Tôi có xem một bộ phim với tựa đề "The Beautiful Life - Cuộc sống tươi đẹp" mới thấy một ông bố trong thời chiến dạy con những gì. Mặc dù đối đầu với sự kỳ thị chủng tộc, chiến tranh ly tán, bố mẹ đều phải vào trại tập trung, sau đó người bố bị giết. Đứa bé được sinh ra trong thời chiến, bị bắt theo bố vào trong trại tập trung, chứng kiến sự tàn ác của phát xít Đức nhưng người bố đã khéo léo nói nó là một trò chơi, một trò chơi rất khó và lâu, nếu ai tuân thủ đúng luật chơi thì sẽ được một phần lớn là cái chiến xa thật sự.

Ngay cả trong thời chiến, đứa bé đó đâu có cảm nhận được chiến tranh đâu, nó nghĩ là một trò chơi lớn. Và cuối cùng như bố nó đã hứa, một lời hứa của một người bố đối với con đã thành hiện thực. Hình ảnh đứa bé ra khỏi trại tập trung và được ngồi lên chiếc chiến xa đầu tiên với nụ cười rạng rỡ là hình ảnh đẹp nhất của bộ phim.

Quay lại vấn đề giáo dục tiểu học, tôi nghĩ nếu muốn giáo dục lòng yêu nước cho các em, có quá nhiều hình thức, nội dung để thực hiện. Các em trong độ tuổi này chỉ cần tự giác ý thức và tự chăm sóc bản thân mình là điều tốt lắm rồi. Các em nhận thức được khi các em tự giác, các em đã tiết kiệm thời gian sức lực cho bố mẹ để cống hiến cho tổ quốc dưới nhiều hình thức,  như thế là các em đã yêu nước, góp phần bảo vệ tổ quốc rồi. "Tuổi nhò làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" đúng như lời Bác Hồ đã nói. Bé chỉ cần ngồi đánh tam cúc cùng con mèo khoang để bố vào lò gạch, mẹ ra đồng cày như trong thơ Trần Đăng Khoa là đủ.

Đừng bắt trẻ con đóng vai anh hùng, như thế nó quá sức lắm, hãy để trẻ con là chính nó!

 Bài văn Những chú bé không chết

Chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng em vẫn nhớ mãi, nhớ về các chiến sỹ yêu nước trong lửa đạn chiến tranh khốc liệt ngày nào. Câu chuyện Những chú bé không chết luôn trong trí nhớ của chúng em.

Chuyện kể về ba anh em trong một gia đình nọ. Họ là du kích nhỏ của hồng quân Liên Xô. Ba anh em đều có lòng quả cảm, có tinh thần yêu nước nồng nàn. Họ sẵn sàng hy sinh đời mình bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng mà họ hằng yêu quý.

Năm ấy, phát xít Đức đưa quân sang xêm lược Liên Xô. Chúng tàn sát đẫm mãu những nơi mà bọn chúng đi qua. Một chiều nọ, bọn Phát Xít bất ngờ tấn công vào một ngôi làng ven rừng. Vào đến nơi, chúng cảm thấy yên tâm khi thấy làng không, nhà trống, không có một sự chống cự nào. Chúng cứ càn quét khắp làng. Khi trời vừa sụp tối, tiếng súng nổ ran khắp mọi phía khiến bọn chúng hốt hoảng rồi nhớn nhác hỏi nhau rằng:

- Du kích bắn ở đâu? Du kích bắn ở đâu?

Một tên lính vội vã từ ngoài chạy vào trại của chúng bảo:

- Du kích đang bắn ở cánh rừng đằng kia. Đã bắt được một tên du kích.

Rồi bọn chúng đưa vào trại một chú bé khoảng chừng mười ba đến mười bốn tuổi. Chú bé mặc chiếc ao sơ mi xanh có hàng cúc trắng. Tên chỉ huy hỏi:

- Mày là ai?

Chú bé kiêu hãnh trả lời:

- Tao là du kích.

Tên sỹ quan thoáng giật mình nhưng vội trấn tĩnh rồi quát:

- Đội du kích của chúng mày ở đâu?

Chú bé cất cao giọng trả lời:

- Tao không biết, muốn biết thì tự mà đi tìm lấy.

Tên sỹ quan tức tối lệnh cho bọn lính tra tấn dã man nhưng chú bé không khai nửa lời. Gần sáng, bọn chúng đã đem chú bé ra bắn.

Đêm tiếp theo, du kích tấn công vào nơi đóng quân của bọn phát xít. Kho vũ khí của chúng đã bị nổ tung nhưng chúng cũng bắt được một em nhỏ mặc áo sơ mi xanh có hàng cúc trắng. Tên sỹ quan ngạc nhiên hỏi lai lịch của em bé và em cũng trả lời như câu trả lời của chú bé đêm qua. Tên sỹ quan không thể tin những điều đang diễn ra trước mắt mình. Chúng nghĩ rằng chú bé mặc chiếc áo sơ mi xanh có hàng cúc trắng đã bị bắn trong đêm qua mà sao lại không chết, vẫn là một du kích kiên cường. Hắn thầm thì:

- Ôi! Lạy Chúa! Đất nước này ghê rợn quá!

Rồi hắn ra lệnh treo cổ chú bé trong nỗi hoang mang, lo sợ.

Sang đêm thứ ba, đội du kích đánh tan sở chỉ huy của chúng. Tên sỹ quan được bắt sống. Khi được mở khăn bịt mắt, hắn vô cùng kinh ngạc khi thấy trước mặt là một du kích đứng tuổi và bên cạnh là một chú bé mặc chiếc áo sơ mi xanh có hàng cúc trắng. Hắn phủ phục dưới chân chú bé và cầu xin:

- Xin tha cho tôi. Tôi không biết ngài có thể chết đi sống lại như thần tiên thế này.

Lúc ấy, người phiên dịch viên chỉ vào người du kích đứng tuổi và nói:

- Đây là cha của hai đứa trẻ bị ngươi giết vào đêm hôm trước. Còn đây là đứa con trai thứ ba của bác ấy. Ba người con của bác là những du kích nhỏ luôn mặc áo giống nhau, có lòng yêu nước căm thù giặc như nhau, lòng quả cảm như nhau nên ngươi đã nhầm là chú bé chết đi sống lại. Tên sỹ quan nghe thế liền gục mặt xuống đất, hắn thán phục những anh hùng nhỏ tuổi, thán phục những chú bé không bao giờ chết và lo sợ cho vận mệnh của mình.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Vietnamnet

Bình luận(1)

Minh Hiền

Quỳnh Anh

Lịch sử Việt Nam được giới thiệu và giảng dạy như một thứ khoa học quái dị. Không một đứa con nào của tôi biết năm 1979 Trung Quốc đã tiến hành xâm lược Việt Nam nhưng chúng biết rõ và suốt ngày tụng niệm câu chuyện về Lê Văn Tam, một người không có thật trong lịch sử nước nhà.