Giáo dục phải chuyển từ dạy số đông sang dạy cá thể

Google News

(Kiến Thức) - Phải đổi mới từ dạy số đông sang dạy cá thể, từ dạy áp đặt một chiều sang tương tác đa chiều của người học với thầy cô, bạn bè, sách vở, trong gia đình và ngoài xã hội.

Đưa nhà trường vào gần cuộc sống


Trước tiên, mục tiêu giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ từ con người khoa bảng thành con người thực tế; từ mục tiêu nhồi nhét kiến thức hàn lâm chuyển thành năng lực làm chủ cuộc sống; từ cơ chế độc quyền với từng hoạt động đơn lẻ chuyển sang phục vụ xã hội đa dạng, cạnh tranh với tinh thần hợp tác, thân thiện.

Nội dung chương trình phải đổi mới từ phân hóa theo môn học thành tích hợp theo mục tiêu đào tạo. Giảm lý thuyết từ chương trình, tăng cường thực tế. Đổi mới mạnh mẽ từ nhà trường khép kín, gò bó sang giáo dục xã hội, mở rộng cửa trường. Đưa nhà trường thâm nhập vào cuộc sống.

TS Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM). 

Phương pháp dạy học phải đổi mới từ dạy số đông sang dạy cá thể, dạy cách học. Đổi mới từ dạy áp đặt một chiều của người dạy sang tương tác đa chiều của người học với thầy cô, bạn bè, sách vở, trong gia đình và ngoài xã hội; không dừng lại ở lý thuyết, minh họa mà vươn tới hoạt động thực hành, trải nghiệm, làm sinh động và hiệu quả hơn nội dung giáo dục để đạt yêu cầu mục tiêu giáo dục tốt nhất; làm cho học sinh thích thú, chủ động và tích cực tự tìm tòi học tập, nâng cao năng lực tự học, học suốt đời, học ở mọi lúc mọi nơi. 

Phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động đánh giá, coi trọng đánh giá của giáo viên ngay trong quá trình dạy học. Đây là hoạt động chủ yếu thay vì tập trung thi cử cuối khóa nặng nề, đối phó, hình thức, thiếu thực chất thoát ly mục tiêu đào tạo. Phải tạo điều kiện cho người học tự đánh giá để tự hoàn thiện mình, phải phối hợp với phụ huynh đánh giá học sinh để tạo sự thống nhất hệ thống giá trị giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên trong bài học về
tượng đẹp chùa Láng, Hà Nội. 

Giảm số học sinh trong lớp

Thiết chế tổ chức nhà trường phải đổi mới phù hợp với quan điểm đổi mới, giảm sĩ số trong lớp từ 35, 45 học sinh xuống còn 20, 30 học sinh; học sinh học tập và hoạt động cả ngày trong trường (2 buổi/ngày). Thay vì chỉ đến trường theo giờ dạy, giáo viên phải có chế độ làm việc cả ngày (8 giờ) theo đúng quy trình lao động của ngành nghề, nghiên cứu tài liệu, tiếp cận học sinh, nắm chắc tâm sinh lý lứa tuổi, hoàn cảnh, soạn bài, giảng bài, ra bài tập kiểm tra, chấm bài, chữa bài, đánh giá nhận xét từng học sinh chu đáo, đúng mực...

Sự bất cập khá lớn của giáo dục nước ta hiện nay là đầu tư giáo dục. Sự bất cập này không chỉ vì khả năng kinh tế chưa đáp ứng mà chính yếu là bất cập về công tác kế hoạch, nếu có kế hoạch đầu tư giáo dục tốt, chúng ta sẽ khắc phục một cách căn cơ những hệ lụy về thu chi tài chánh của nhà trường hiện đang là nỗi ưu tư không ít của dư luận. Phải đổi mới mạnh mẽ theo quan điểm đầu tư giáo dục là đầu tư đủ và thực chất theo yêu cầu mục tiêu đào tạo, đồng thời huy động nguồn đầu tư phù hợp với đặc điểm dân cư và tinh thần hiếu học vốn có của dân tộc.

Phải phát huy vai trò của Hội đồng quốc gia giáo dục, nơi quy tụ những nhà khoa học có uy tín, có năng lực trên các lĩnh vực quản lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục để "thiết kế" mô hình nhân lực của đất nước trong giai đoạn hiện nay và xây dựng chương trình đào tạo, xác lập cơ cấu đầu tư. Trên cơ sở ấy, Bộ GD&ĐT sẽ điều hành "thi công", đảm bảo yêu cầu mục tiêu đào tạo một cách kỷ cương và hiệu quả.

TS. Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM)

Bình luận(0)