Cần một cuộc điều tra tổng thể về giáo dục

Google News

(Kiến Thức) - GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà Xuất bản Tri thức cho rằng: Đã đến lúc cần có một cuộc điều tra tổng thể về giáo dục.

Chưa bao giờ có đánh giá tổng thể tầm cỡ quốc gia

Bên cạnh những ý kiến bức xúc của nhân dân trước thực trạng đáng lo ngại của giáo dục nước nhà, đã có không ít các kiến nghị nghiêm túc của cá nhân và tập thể các nhà khoa học trong và ngoài nước về cải cách giáo dục gửi cho các cấp lãnh đạo cấp cao. Đáng chú ý nhất là Kiến nghị của 24 giáo sư và nhà khoa học trong và ngoài nước do GS Hoàng Tụy chủ biên (2004); Kiến nghị của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (2005); Kiến nghị của nhóm trí thức người Việt ở nước ngoài (2007); Bản kiến nghị của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước do bà Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm (2008)... Tất cả những kiến nghị đó dù có công phu đến mấy cũng chỉ là cách nhìn của từng bộ phận.

Thí dụ đề án mà GS Chu Hảo tham gia trực tiếp là đề án của bà Nguyễn Thị Bình, là tập hợp những người từng làm công tác quản lý khoa học và giáo dục; đề án chỗ GS Hoàng Tụy là cách nhìn của những người làm khoa học và giáo dục đại học; trong khi đề án của TS Ánh lại chú trọng đến khía cạnh dạy nghề, phân luồng... 

Tất cả những vấn đề về triết lý giáo dục, nội dung chương trình, hay quản lý khoa học, nhân sự, bằng cấp... đều chưa bao giờ có đánh giá, điều tra tổng thể ở tầm cỡ quốc gia về giáo dục, để xem những vấn đề được nêu như vậy đúng đến mức độ nào, có phải thực vậy không. 

GS Chu Hảo cho rằng, chính vì thế cho nên hiện giờ cần phải có một Ủy ban Trung ương về cải cách giáo dục. Nhà nước cần giao cho ủy ban này tập hợp tất cả những ý kiến, kiến nghị thành một đề án chung, nên có sự tư vấn của cả các chuyên gia nước ngoài. Ủy ban cải cách này phải tiến hành đánh giá toàn diện về những vấn đề được nêu về triết lý, nội dung, chương trình, cơ cấu... Sau khi đánh giá, căn cứ những đề xuất cụ thể này để tập hợp thành một đề án, để được Quốc hội thông qua, sau đó giao cho Chính phủ thực hiện.

Để có một nền giáo dục lành mạnh cần có cả giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. 

Đừng để Nghị quyết chỉ là nói khẩu hiệu chính trị

Nghị quyết về giáo dục đã định thông qua ở Hội nghị T.Ư 6 vừa rồi, thế nhưng vì có nhiều ý kiến nên Trung ương đã lắng nghe và hoãn nghị quyết đó lại. Có thể nói như vậy ý kiến của xã hội dân sự và cộng đồng khoa học giáo dục đã được một phần lắng nghe. "Thế nhưng hoãn rồi thì phải chuẩn bị cái đó như thế nào. Tôi chưa thấy có động tĩnh gì về chuyện đó. Có tín hiệu tốt rồi thì tiếp theo phải làm cái gì". 

GS Chu Hảo còn đề nghị tổ chức thảo luận một cách rất kỹ để ra được một nghị quyết mà trên cơ sở đó có thể làm được cuộc cải cách toàn diện và triệt để. "Chứ nếu ra nghị quyết mà không hướng tới được một cuộc đánh giá tổng thể và ra được một cuộc cải cách triệt để thì lại chỉ là tiếp tục nói những khẩu hiệu chính trị. Và lần này một nghị quyết đã hoãn thì lần sau phải ra được nghị quyết đi vào cuộc sống. 

Nghị quyết thanh niên, nghị quyết về nông nghiệp, trí thức, tôi chưa thấy có nghị quyết nào đi được vào cuộc sống. Nghị quyết về giáo dục phải làm thế nào để mở đầu được giai đoạn mới, giải quyết vấn đề rất bức xúc, bức xúc hơn những vấn đề thanh niên, trí thức", GS Chu Hảo nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa, thường khi nói đến giáo dục người ta chỉ nói đến giáo dục học đường, gồm cả hệ thống giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập; Ngoài đó ra còn có nền giáo dục gia đình, giáo dục xã hội vẫn không được chú trọng. Chưa có chương trình nào, đề án nào nghiên cứu xem nền giáo dục gia đình có vai trò thế nào để hướng đến một nền giáo dục lành mạnh. 
Khánh Lê (ghi)

Bình luận(0)