Hơn 925.700 thí sinh trên cả nước vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 27/6. Trong 2,5 ngày diễn ra kỳ thi có thể thấy được Bộ GD&ĐT đã rất nỗ lực để giữ gìn nghiêm kỷ cương trường thi, kỷ luật phòng thi, những hiện tượng vi phạm quy chế thi đã được phát hiện kịp thời đảm bảo sự nghiêm minh của một kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, kỳ thi này đã khiến dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn từ phía thí sinh, phụ huynh và dư luận, nhất là đề thi các môn Ngữ văn và Toán được đánh giá là rất dài và khó dù có tính phân loại cao.
Ngay khi vừa kết thúc môn thi Ngữ văn, dư luận đã có nhiều ý kiến cho rằng đề thi mở, giàu tính thời sự, mang tính triết lý sâu sắc và có tính phân loại cao. Tuy nhiên, đề thi mang tính vĩ mô, quá sức với mặt bằng chung kiến thức của các em học sinh trên cả nước. Để đạt được điểm cao ngoài kiến thức về văn học, học sinh phải có tư duy thông minh, am hiểu nhiều kiến thức về xã hội, đất nước, con người Việt Nam.
Minh chứng rõ ràng nhất ở đề thi Ngữ văn có câu hỏi thí sinh về quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao? Là câu hỏi được cho là không dễ để trả lời với các em học sinh bởi nhà thơ Nguyễn Duy sáng tác bài thơ “Đánh thức tiềm lực” từ những năm 1980 và đã quá lâu trong khi nhiều em thí sinh có thể chưa hiểu hết ý nghĩa bài thơ.
|
Đề thi Ngữ văn gây nhiều tranh cãi. |
Trong khi đó đề thi môn Toán cũng khiến thí sinh đau đầu, phụ huynh lo lắng và dư luận phản ứng là quá khó. Ngay GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, chuyên gia đầu ngành về Đại số của trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nói rằng: “Với 90 phút không đủ cho tôi làm 50 câu của đề thi. Tôi cũng không tin rằng có thầy cô giáo dạy Toán THPT nào có thể giải kịp 50 câu của đề Toán trong vòng 90 phút. Có rất nhiều câu đòi hỏi phải tính toán trong 10 đến 15 phút”. Điều đó chứng tỏ đề thi Toán khó và dài thế nào?
Ngay như môn thi Hóa cũng được cho rằng, 10 câu cuối là những bài tập dài và rất khó, mức độ phân hóa cao trong khi đề thi môn Sinh thì lại quá dài.
Và với với ra đề khó như vậy, không chỉ khiến các em học sinh méo mặt, lo lắng mà ngay cả các giáo viên cũng phải chật vật mới có thể giải hết đề thi.
Trong khi đó, theo giải thích của ông Sái Công Hồng - Cục phó Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, độ khó trước hết phải căn cứ vào nội dung của đề thi và cho hay: “Đề thi năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc so với năm 2017 và không vượt qua chương trình học của các thí sinh, vẫn là tỷ lệ 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao”.
Ngay Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - ông Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định: "Tôi tin rằng với đề thi năm nay, việc đạt được điểm 9-10 sẽ khó khăn hơn".
Nhiều ý kiến cho rằng, thi tốt nghiệp THPT ngày càng khó hơn và tấm bằng tốt nghiệp THPT có giá trị thực hơn và giúp việc xét tuyển đại học dễ dàng và chất lượng hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề thi khó chưa chắc đã phân loại tốt thí sinh như người ra đề kỳ vọng, trái lại còn gây khó trong việc đánh giá thí sinh và định hướng dạy học.
Thậm chí có ý kiến nặng nề chỉ trích ngành giáo dục đang đẽo cày giữa đường, chạy theo dư luận để điều hành việc thi cử. Bởi năm ngoái đề thi dễ nhiều điểm 10, dư luận phản ứng. Năm nay đề có nhiều câu hỏi khó là phân loại học sinh hay do dư luận phản ứng từ những kỳ thi trước. Nhưng với việc ra đề khó trong khi mặt bằng học sinh giữa khu vực 1, 2 và 3 không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến các thí sinh ở khu vực miền núi hay khu vực nông thôn. Và người ta đặt câu hỏi, với mục tiêu trước hết là thi để xét tốt nghiệp THPT có cần ra đề khó đến như thế?
Hệ quả của việc ra đề khó, dư luận lo lắng sẽ gây tâm lý cho các học sinh và giáo viên ở những năm tiếp theo và dẫn đến lo lắng việc học thêm, dạy thêm, luyện thi thêm phát triển mạnh mẽ hơn trước.
Kết quả của kỳ thi năm nay sẽ là cơ sở để Bộ GD&ĐT có phương hướng điều chỉnh trong các năm tới. Khi mà việc ra đề luôn là một thách thức lớn khi mà vừa đáp ứng việc phục vụ cho các em học sinh tốt nghiệp THPT vừa có thể đảm bảo sự phân hóa để xét tuyển đại học,lại không bị dư luận phản ứng như những kỳ thi qua.