Dư luận Trung Quốc và thế giới đang hết sức quan tâm đến bê bối Công ty Công nghệ Sinh học Changchun Changsheng (Trường Xuân Trường Sinh) đã bán khoảng 252.600 liều vacxin DPT không đạt chuẩn cho Trung tâm Kiểm dịch và Phòng dịch tỉnh Sơn Đông. Hiện cơ quan chức năng Trung Quốc chưa thống kê được bao nhiêu trẻ bị tiêm vacxin kém chất lượng.
Trước sự việc gây rúng động dư luận xã hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu điều tra khẩn cấp vụ bê bối vacxin không đạt chuẩn.
Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, bê bối vacxin kém chất lượng cho trẻ sơ sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức, yêu cầu xử phạt nặng đối với các cá nhân và tổ chức liên quan.
|
Người dân Trung Quốc chấn động vì bê bối vaccine kém chất lượng cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Reuters. |
Đến chiều ngày 23/7, Chủ tịch công ty Trường Sinh Cao Tuấn Phương và 4 quan chức lãnh đạo cao cấp của công ty này bị bắt giam để phục vụ điều tra.
Thêm nữa, công ty Trường Sinh bị đình chỉ sản xuất, ngưng giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán sau khi mất giá liên tục.
Đây không phải là lần đầu tiên bê bối vacxin kém chất lượng xảy ra tại Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2017, dư luận nước này rúng động trước thông tin Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán cũng đã bán ra thị trường 400.520 liều vacxin DPT kém chất lượng.
Những liều vaccine DPT kém chất lượng trên được sử dụng tại các tỉnh Trùng Khánh và Hà Bắc. Không có con số chính xác bao nhiêu trẻ em đã được tiêm những liều vacxin DPT kém chất lượng trên. Cho đến nay, hình phạt đối với viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán cũng chưa được giới chức trách Trung Quốc công bố.
Tháng 3/2016, dư luận Trung Quốc bàng hoàng khi Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Trung Quốc thông báo đã phát hiện 9 công ty đang buôn bán những vacxin không được bảo quản đúng cách hoặc hết hạn.
Thủ phạm chính trong vụ bê bối vacxin này là dược sĩ tên Bàng Hồng Vệ. Người này đã mua những lô vacxin sắp hết hạn với giá rẻ từ các công ty dược và các đầu nậu và bán chúng ở 23 tỉnh và thành phố.
Ngoài Bàng Hồng Vệ, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 202 người có liên quan đến đường dây mua bán vacxin kém chất lượng trên. 192 trường hợp bị truy tố.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Trung Quốc đã sa thải hoặc giáng chức 357 quan chức chính quyền địa phương vì những yếu kém trong việc xử lý hậu quả của vụ bê bối vacxin kém chất lượng.
Cùng với đó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu thực hiện những biện pháp nhằm thắt chặt giám sát việc bảo quản và phân phối vacxin.
Mời quý độc giả xem video: Vụ bê bối vắc-xin giả gây chấn động Trung Quố (nguồn: VTC14)
Không riêng Trung Quốc, Philippines cũng từng xảy ra một vụ việc gây rúng động dư luận liên quan đến vacxin chống sốt xuất huyết Dengvaxia. Sự việc diễn ra vào tháng 11/2017.
Khi ấy, chính phủ Philippines thông báo đình chỉ việc sử dụng lô vacxin Dengvaxia phòng chống sốt xuất huyết sau khi hãng sản xuất dược phẩm Pháp Sanofi công bố kết quả nghiên cứu mới cho thấy vacxin chống sốt xuất huyết Dengvaxia chỉ có lợi đối với những trường hợp từng mắc bệnh. Loại vacxin này có thể khiến những người chưa mắc bệnh lần nào gặp phải triệu chứng nghiêm trọng khi nhiễm bệnh.
Đến ngày 4/12/2017, Bộ Tư pháp Philippines đã ra lệnh Cục Điều tra Quốc gia (NBI) nước này xem xét "những nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng... và nếu có chứng cứ xác đáng, cần có quyết định khởi tố phù hợp".
Trước những sự việc gây rúng động dư luận liên quan đến vacxin tiêm cho trẻ, các chuyên gia đã chỉ ra lỗ hổng trong cơ quan quản lý cũng như những bất cập trong việc phân phối vacxin còn một số kẽ hở. Theo đó, để không xảy ra những vụ việc tương tự trong tương lai, các nước cần quản lý chặt chẽ hơn việc sản xuất, phân phối và bảo quản vacxin đạt chuẩn.