Phạm Công Danh “kéo tay” ông Đặng Thanh Bình vào vòng lao lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Được coi là người giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong 25 năm công tác trong ngành tài chính ngân hàng, nhưng ông Đặng Thanh Bình "dễ dàng" bị Phạm Công Danh lôi vào vòng lao lý. Vì sao lại thế?

Ông Đặng Thanh Bình - nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN)  vừa bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tống đạt cáo trạng truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng để Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng.
Trước đó, vào ngày 8/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.
Việc khởi tố này, liên quan vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Pham Cong Danh “keo tay” ong Dang Thanh Binh vao vong lao ly the nao?
 Ông Đặng Thanh Bình. Ảnh: Vneconomy.
Dư luận quan tâm, ông Đặng Thanh Bình – người từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong 25 năm công tác trong ngành tài chính Ngân hàng đã bị Phạm Công Danh "kéo tay" vào vòng lao lý thế nào?
Theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, có nhiệm vụ chính trong việc chỉ đạo tái cơ cấu những ngân hàng hoạt động yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Thực hiện chương trình cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tháng 2/2012 NHNN có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát và đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại 6 ngân hàng TMCP có tình hình hoạt động yếu kém, trong đó có NH TMCP Đại Tín (TrustBank).
Tháng 8/2012 ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình chính phủ về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (thời điểm này vẫn mang tên ngân hàng Đại Tín) và đã được chính phủ chấp thuận chủ trương. Xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này. Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.Trong phương án tái cơ cấu có nội dung chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện).
Cáo trạng cáo buộc ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu được phê duyệt trong việc kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh. Từ đó, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và sử dụng VNCB để phạm tội. Dưới điều hành của nhóm cổ đông Thiên Thanh, VNCB bị âm vốn chủ sở hữu hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ hơn 38.000 tỷ đồng.
Sau khi ông Phạm Công Danh (nhóm Thiên Thanh) nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, tiền thân của VNCB) từ nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện thì VNCB được xếp vào 1 trong 6 ngân hàng hoạt động không hiệu quả. Thời điểm này VNCB chịu sự giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát.
Theo đó, dù bị đặt trong tình trạng kiểm soát nhưng trong thời gian là Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh vẫn có thể lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các chi nhánh VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân; gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.
Phạm Công Danh có thể thực hiện các hành vi trên xuất phát từ việc ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho nhóm Thiên Thanh đứng đầu là Phạm Công Danh và đồng phạm đã làm VNCB thiệt hại hơn 9000 tỷ đồng.
Cụ thể, từ việc Tổ giám sát đặt tại TrustBank (VNCB sau này) đã không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát, để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó có 15.670 tỷ đồng không thể thu hồi được.
Trong số hơn 18.000 tỷ đồng mà Phạm Công Danh và đồng phạm rút ra từ VNCB có hơn 9.000 tỷ đồng có xin ý kiến Tổ giám sát, số còn lại là ông Phạm Công Danh không xin ý kiến. Sau khi VNCB gửi tiền thì Tổ giám sát không giám sát mà để Phạm Công Danh dùng số tiền này bảo lãnh cho các công ty sân sau của ông Danh vay tiền tại các ngân hàng này, sử dụng tiền vay sử dụng riêng đến nay không thể thu hồi.
Hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ giám sát là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB. Trong đó, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành VNCB. Từ việc buông lỏng của ông Đặng Thanh Bình đã tạo điều kiện cho Phạm Công Danh dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại lớn cho VNCB lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)