Các phân tích cho thấy, trong các sản phẩm tiêu dùng, bề mặt than hoạt tính sẽ sớm trở thành bão hòa do không còn khả năng hấp phụ.
- Than hoạt tính đang được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như khẩu trang, thiết bị lọc nước, lọc không khí... Các phân tích cho thấy, trong các sản phẩm tiêu dùng, bề mặt than hoạt tính sẽ sớm trở thành bão hòa do không còn khả năng hấp phụ. Do đó, nếu người dùng tiếp tục sử dụng sản phẩm có chứa than hoạt tính, nó không chỉ vô tác dụng mà còn gây hại.
Tránh nhầm lẫn với sợi than hoạt tính
Than hoạt tính là một chất rắn có diện tích bề mặt cực kỳ lớn, 1g có diện tích từ 500 - 2.500m2 , chứa hàng triệu lỗ xốp. Nhờ có hàng triệu lỗ xốp trên một diện tích bề mặt nên nó có khả năng hút bám cả chất vô cơ lẫn hữu cơ trên bề mặt còn gọi là sự hấp phụ. Cơ chế "lọc" cơ bản của than hoạt tính trong các sản phẩm tiêu dùng trên là quá trình hấp phụ bao gồm cả hấp phụ vật lý và hấp phụ hóa học.
Các sản phẩm có sử dụng than hoạt tính thường được giới thiệu với nhiều tính năng ưu việt. Khẩu trang chống độc có các tính năng ngăn ngừa bụi, phòng tránh các loại hóa chất và khí độc hại, các khí ô nhiễm như thuốc trừ sâu, khói ô tô hoặc xe máy, hơi xăng, các khí độc như khí SO2, CO2, H2S... Khẩu trang này có chứa than hoạt tính hoặc chế từ sợi than hoạt tính.
Than hoạt tính thành phần chính của nó là carbon, còn sợi than hoạt tính thực chất chỉ là các sợi bông hóa học có tẩm than hoạt tính và được các doanh nghiệp gọi là sợi hoạt tính cho tăng thêm độ hấp dẫn, ly kỳ. Gọi đúng thì phải gọi là sợi than hoạt tính.
Bên cạnh đó, than hoạt tính còn được sử dụng trong các sản phẩm lọc nước. Hệ thống bình lọc nước uống thường có một lõi than hoạt tính và được quảng cáo có khả năng không chỉ lọc các loại cặn vô cơ mà còn diệt khuẩn, làm sạch nước uống. Khi nước được lọc qua than hoạt tính thì phần lớn các phân tử hữu cơ hòa tan trong nước bị lưu giữ lại trên bề mặt của than.
Ngoài ra, trong quá trình lọc, than hoạt tính chứa và nuôi dưỡng các loại vi khuẩn có khả năng phân hủy các chất hữu cơ dính bám để tạo ra bề mặt tự do, cho phép giữ lại các phân tử hữu cơ mới.
|
Tác dụng của sợi hoạt tính trong khẩu trang sẽ mất đi chỉ sau 2 lần giặt. Ảnh Trần Hải. |
Hết tác dụng, dùng sẽ gây hại
Trong hầu hết các sản phẩm tiêu dùng, bề mặt than hoạt tính sẽ sớm trở thành bão hòa do không còn khả năng hấp phụ. Do đó, nếu tiếp tục dùng sản phẩm có chứa than hoạt tính, nó không chỉ vô tác dụng mà còn gây hại. Vì có thể những chất độc được than hấp phụ trước đây sẽ được nhả ngược trở lại (còn gọi là quá trình giải hấp). Điều này có thể bắt đầu xảy ra trong vòng một vài ngày, vài tuần hay vài tháng tùy thuộc vào các điều kiện như tính chất vật lý của than hoạt tính, kết cấu, kích thước, mật độ lỗ xốp và đặc biệt phụ thuộc vào lượng than hoạt tính có trong sản phẩm cũng như công nghệ sản xuất đối với các sản phẩm trên...
Đối với các loại khẩu trang sợi hoạt tính thì tác dụng của sợi hoạt tính bị mất đi chỉ sau 2 lần giặt và lượng than hoạt tính hay sợi hoạt tính trong mỗi chiếc khẩu trang không đáng kể nên việc phát huy tác dụng hầu như không có. Chưa kể than hoạt tính trong khẩu trang sau khi sử dụng cũng bám đầy bụi, vi khuẩn, virus, vi nấm... đây là nguồn gây ô nhiễm thứ cấp nên không thể sử dụng tới 2 - 3 tháng. Sau khi hết tác dụng của than hoạt tính, thì khẩu trang chứa than hoạt tính chỉ có tác dụng như khẩu trang vải thông thường.
Còn trong các sản phẩm lọc nước, than hoạt tính chỉ có thể lọc được một khối lượng nước nhất định. Thời gian sử dụng của các lõi lọc nước này phụ thuộc nhiều vào chất lượng nước đầu vào và tần suất sử dụng. Lời khuyên đối với tuổi thọ của lõi lọc than hoạt tính không nên sử dụng quá 12 tháng. Sau 3 - 6 tháng (tốt nhất là 3 tháng) sử dụng hoặc khi thấy nước hơi ngang hay có mùi nên vệ sinh lõi lọc (theo cách vệ sinh thông thường là mở lõi lọc, dùng bàn chải mềm vệ sinh bên trong miệng lõi và dưới đáy lõi.
Tránh sử dụng nước nóng chạy qua lõi lọc than hoạt tính bởi nước nóng làm tăng khả năng hòa tan tạp chất, tăng khả năng "hoạt động" của tạp chất khiến than hoạt tính giảm mất khả năng hút bám hiệu quả. |
ThS Trần Quốc Tuấn (Viện Hóa học Việt Nam)
[links()]