Bộ Quốc phòng vừa bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn này thay cho Trung tướng Hoàng Anh Xuân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tại Phú Thọ nhưng quê gốc tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông Hùng tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sĩ viễn thông ở Australia, thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Hùng có nhiều năm kinh nghiệm công tác và quản lý trong lĩnh vực Điện tử
viễn thông. Ông Hùng được thăng hàm Thiếu tướng vào năm 2012, là lãnh đạo thứ 3 của Viettel mang quân hàm tướng sau Trung tướng Hoàng Anh Xuân và Thiếu tướng Dương Văn Tính.
Ở Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được ví như một nhà tham mưu, tính toán kỹ lưỡng ở tầm xa trước khi bắt tay làm. Ngược lại, Trung tướng Hoàng Anh Xuân tính nóng như lửa, một khi đã quyết thì nhất định phải làm. Đây là hai vị
sếp tính cách đối lập nhau ở Viettel nhưng Trung tướng Xuân lại hiểu rõ và tin tưởng Thiếu tướng Hùng hơn ai hết. Sự tin tưởng đó đã giúp ông Hùng thực hiện thành công vai trò kiến tạo ở Viettel.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện trong chuyên đề "chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo thành công" do Công ty Coteccons tổ chức. |
Ngoài chức vụ mới là Tổng giám đốc Viettel, ông Hùng hiện còn là Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), thành viên HĐQT Công ty tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVFinance), Thành viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (ViettelGlobal), Chủ tịch HĐQT Liên doanh Viettel - CHT...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông bình chọn là một trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu vì có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam trong một thập kỷ (giai đoạn 2000 - 2009). Ông Hùng cũng được xem là linh hồn của Viettel, người đưa di động và Internet trở thành dịch vụ bình dân.
Xuyên suốt quá trình phát triển thần tốc của Viettel từ năm 2000 đến nay, ông Hùng đã có đóng góp to lớn quan trọng cho
tập đoàn này. Cụ thể, năm 2000, Viettel bắt đầu bước chân vào thị trường viễn thông với dịch vụ điện thoại giá rẻ đường dài trong nước (VoiP). Đây là dịch vụ viễn thông đầu tiên được mở ra để cạnh tranh trên thị trường viễn thông lúc bấy giờ. Thời điểm đó, tổng tài sản của Viettel chỉ có 34 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam, mang về doanh thu và lợi nhuận khủng.
Năm 2013, theo báo cáo của Bộ Thông tin và truyền thông, Viettel dẫn đầu về doanh thu về số lượng thuê bao điện thoại duy trì trên mạng lưới. Tổng doanh thu của Viettel năm 2013 đạt khoảng 162.886 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 26.413 tỷ đồng, nộp ngân sách 13.586 tỷ đồng. Số thuê bao duy trì trên mạng của Viettel cũng đã vượt VNPT hơn 13,8 triệu thuê bao.
Không chỉ lớn mạnh ở thị trường trong nước, Viettel vươn ra đầu tư ở thị trường nước ngoài. Hiện Viettel đầu tư ở 9 quốc gia thuộc 3 châu lục với tổng dân số 146 triệu người, trong đó có những thị trường rất thành công như: Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti... Mục tiêu của Viettel là đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để đến năm 2015 sẽ có thị trường lớn với quy mô 400 - 500 triệu dân và 1 tỷ dân vào năm 2020.
Việc bổ nhiệm ông Hùng vào ghế Tổng giám đốc của Viettel được kỳ vọng sẽ đem lại những thành công mới cho Viettel và đưa Viettel sớm trở thành
doanh nghiệp toàn cầu.
Mới đây, khi chia sẻ với báo giới về xu hướng chuyển dịch của các nhà mạng trong năm 2014, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay "miếng bánh alo" đang bị co lại. Điều này minh chứng bằng việc thị trường OTT (nhắn tin và thoại miễn phí) đang tấn công mạnh vào viễn thông Việt Nam. Ông Hùng cho rằng Viettel hôm nay đã bắt đầu ì ạch và cần một cú hích, một sự đe dọa về doanh thu suy giảm nhanh để đổi mới, để sáng tạo.
Ông Hùng cũng cho biết, Viettel có thể là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới mà nghề chính là di động thì bây giờ tuyên bố nghề chính sẽ chuyển sang cố định băng rộng. Viettel cũng đặt mục tiêu trở thành một trong 10 công ty đầu tư quốc tế lớn nhất thế giới.
Viettel cũng đặt mục tiêu nghiên cứu, sản xuất trang bị quân sự, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin để đưa Việt Nam trở thành một nước có tên tuổi trong ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao.