Gần mực thì đen
Ông Hoàng Văn Thảo (55 tuổi ở Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng) không ngần ngại kể lại chuyện mình bị vợ bỏ biệt tăm không về và từ đó đến nay đã hơn mười năm. Câu chuyện gia đình ông cũng bình thường như bao gia đình khác, chồng đi làm về đưa tiền cho vợ ở nhà nuôi con. Cách đây hơn mười năm, ông làm nghề tài xế xe khách, còn bà ở nhà bán tạp hóa và đưa đón con đi học, trong số đám lính phụ xe có vài đứa mê đánh đề nên thường điện thoại nhờ vả vợ ông Thảo ghi số.
Lúc đầu là làm giúp, hôm được hôm không nhưng bà đều có tiền hoa hồng, ham tiền và giấu chồng. Dần dần máu đỏ đen nổi lên, bà cũng tham gia vào việc chơi số đề nên bao nhiêu tiền dành dụm của hai vợ chồng cũng hết sạch, quán cũng dẹp. Không những vậy hàng xóm còn nói bà đang dan díu với người khác. Rồi mọi chuyện đổ vỡ, nợ nần và những áp lực từ anh em cha mẹ nên bà bỏ nhà ra đi để lại cho ông hai đứa con.
Từ một người đang chăm chỉ làm ăn, ông chán đời và trở thành người bê tha nhậu nhẹt rồi bỏ luôn công việc. Vừa ngủ dậy đã nhậu tới khuya vì ông nói không muốn tỉnh để người ta tới đòi nợ siết đồ thì nhục lắm. Nhà chỉ còn cái xác nhà, đồ đạc bị siết nợ cả rồi, nhiều lần ông nghĩ chỉ có chết mới trốn được nợ, thấy tình cảnh bi đát nên ông bà ngoại bắt cháu về nuôi.
May thay, lúc đang nợ ngập đầu chán nản thì ông chủ nhà xe thương tình khuyên nhủ rồi phân tích đúng sai, thấy hợp tình hợp lý nên ông chuyên tâm đi làm lại. Ông lại đi khất nợ để xin được trả dần cho vợ. Thấy ông chịu khó nên nhiều người chủ động giảm nợ, nhờ vậy mà ông mới trả được nợ.
|
Từng ngày, ông Thảo vẫn ngóng trông vợ vê. |
Mong vợ về từng ngày
Không còn nợ nần, đón con về sum họp, đứa con út cũng đã 11 tuổi nhưng điều ông Thảo thấy thiếu cho gia đình là không có vợ. Nhiều lần ông nói với ông bà ngoại là biết vợ mình ở đâu thì gọi cô ấy về, dù sao thì mọi chuyện cũng đã qua và con cũng cần có mẹ. Có nhà cửa đàng hoàng không ở mà đi ra đường sống cảnh lang thang thì khổ lắm. Đàn bà nơi xứ người cũng khổ cực trăm bề, chỉ cần cô ấy về nhà biết xin lỗi và không tái phạm là ông bỏ qua. Cho vợ cơ hội cũng là mở ra cho mình và con cơ hội có cuộc sống mới. Sự cao thượng của ông càng làm cho gia đình bên ngoại nể trọng, nhất là ông một mình vất vả trả nợ cho vợ và xây dựng lại cửa nhà.
"Tại mình chung tình và coi trọng tình nghĩa thôi chứ vợ bỏ đi thì mình tha hồ mà cặp bồ, mình có mất gì đâu nhưng tội cho con. Không phải tôi thiếu phụ nữ đâu, nhiều người muốn góp gạo thổi cơm chung hoặc về sống với tôi không cần cưới hỏi mà tôi từ chối hết. Nghĩ cho cùng khi lấy vợ hai thì mới thấy hết cái vất vả về chung riêng nên tôi không muốn mạo hiểm nữa mà dành cơ hội cho bà ấy và từng ngày mong bả trở về. Gần đây, vợ tôi cũng hay gọi về thăm con, thăm tôi nhưng bà ấy còn xấu hổ nên chưa dám về nhà, chắc đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho sự hy vọng của mình", ông Thảo tâm sự.