Vietnam Airlines thông báo đã hoàn tất kiểm tra tính tuân thủ các quy trình bảo dưỡng và trạng thái của các cụm càng mũi và càng chính ngay trong đêm 21/10 đối với toàn bộ các máy bay còn lại của đội tàu bay ATR-72 tại 2 cơ sở kỹ thuật của hãng ở Hà Nội và TP.HCM.
Riêng đối với càng mũi, hãng đã cùng chuyên gia nước ngoài tiến hành kiểm tra "không phá hủy" tất cả các trục (tức là sử dụng các phương pháp kiểm tra bằng vòng xoáy, sóng âm, từ tính... không can thiệp trực tiếp đến bộ phận được kiểm tra) và sẵn sàng đưa các máy bay này vào khai thác từ 5h ngày 22/10.
Kết quả kiểm tra kỹ thuật đội tàu bay đã được Vietnam Airlines báo cáo chi tiết tới Cục Hàng không Việt Nam ngay sáng cùng ngày.
Đối với máy bay ATR số hiệu VN-B219 (máy bay gặp sự cố rơi bánh), Vietnam Airlines đã ngay lập tức thành lập và cử 2 đoàn công tác tới sân bay Cát Bi (Hải phòng) và sân bay Đà Nẵng phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam điều tra theo quy định. Hãng cũng đang tiếp tục làm việc với nhà sản xuất máy bay để phối hợp điều tra nguyên nhân sự cố và yêu cầu các giải pháp tiếp theo.
|
Chiếc ATR-72 số hiệu VN-B219 xảy ra sự cố gãy càng trước dẫn đến mất bánh đáp. Ảnh: Internet |
Trước đó, theo thông tin từ Vietnam Airlines, chuyến bay của hãng mang số hiệu VN1673 cất cánh từ Hải Phòng lúc 12h45 ngày 21/10 và hạ cánh tại Đà Nẵng lúc 14h15. Sau khi máy bay hạ cánh, toàn bộ tổ bay và 41 hành khách đã rời khỏi máy bay.
Theo báo Tuổi trẻ, tại thời điểm máy bay này đang nằm trên bãi đỗ, bộ phận kỹ thuật tiến hành kiểm tra một bên trục càng trước bị gãy và một lốp bị rơi ra ngoài. Đây là sự cố hi hữu lần đầu tiên xảy ra đối với máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, một bánh trước của chiếc máy bay này bị văng trong quá trình bay có nhiều khả năng là do lý do kỹ thuật. Loại máy bay này không có tính năng thông báo tín hiệu mất áp suất lốp khi gặp sự cố như trên nên tổ bay không phát hiện ra.
Được biết, chiếc máy bay gặp sự cố trên được Vietnam Airlines đưa vào khai thác từ ngày 13/10/2009. Ngày kiểm tra kỹ thuật định kỳ gần nhất của máy bay này là ngày 21/9/2013.
Sau khi sự cố với máy bay ATR-72 xảy ra, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Vietnam Airlines dừng toàn bộ đội bay ATR-72 trong quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân. Theo báo Dân Việt, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sự cố này được xếp vào hàng nghiêm trọng, mặc dù chuyến bay vẫn hạ cánh an toàn.
Trước đó, vào năm 2010, liên tiếp những sự cố tương tự xảy ra với máy bay ATR-72 của Vietnam Airlines. Ngày 20/3/2010, tàu bay ATR 72-202 số đăng ký VN-B216 hạ cánh tại TP.HCM, kiểm tra sau chuyến bay phát hiện tấm ốp chỉnh dòng bị hỏng do các ốc giữ panel bị lỏng cộng với tác động của dòng khí trong quá trình khai thác.
Ngày 21/3/2010, tàu bay ATR 72-202 bay từ TP.HCM đi Phú Quốc, sau khi hạ cánh, bộ phận kỹ thuật kiểm tra phát hiện lốp chính số 2 bị tách một phần lớn lốp đắp. Kiểm tra cho thấy lốp đắp rơi từ TP.HCM. Máy bay sau đó được thay thế lốp theo đúng quy định.
Tuần trước, hãng Hàng không Quốc gia của Lào, nước láng giềng của Việt Nam, gặp sự cố nghiêm trọng khi chiếc máy bay ATR-72 chở 49 người đã đâm xuống sông ở miền Nam Lào làm toàn bộ 44 hành khách và tổ lái cùng các tiếp viên thiệt mạng.