Ngày 17/9, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về logo lạ của Bộ Y tế.
Theo đó, thay vì hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy như logo chính thức lâu nay, thì tại logo trên phông nền của lễ khai mạc kỳ thi "Nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022" diễn ra sáng 10/9 tại Trường Đại học Y Hà Nội, lại có hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy theo hình chữ S và "ngậm phong bì".
|
Hình ảnh logo Bộ Y tế "khác lạ" tại kỳ thi được tổ chức ở Trường đại học Y Hà Nội - Ảnh: BSCC |
Hiện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ (A03, Bộ Công an) điều tra làm rõ. Bộ Y tế sẽ có thông tin khi có kết luận chính thức.
Vì sao con rắn lại là biểu tượng của ngành Y?
Nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc là tại sao biểu tượng trong ngành Y - Dược lại là con rắn mà không phải là một con gì hay vật gì khác. Khi thì thấy hai con, khi thì một con quấn quanh một cây gậy, có khi thì cái ly hay cốc (hay gặp trong ngành Dược).
Logo chính thức của Bộ Y tế (Ảnh: Bộ Y tế)
Theo truyền thuyết Hy Lạp, trong thời kỳ loài người còn sống chung với thần linh, ở xứ Thessalie có vị vua Asklepios Esculape, vừa là một minh quân, vừa là một thầy thuốc rất giỏi.
Ông được coi là ông tổ của ngành y dược. Ông đã sớm truyền ngôi lại cho con để có thời gian nghiên cứu y học và luôn tận tâm trong việc chữa bệnh cho mọi người, đặc biệt là dân nghèo.
Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn thì gặp một con rắn. Ông đã đưa cây gậy để gạt con rắn nhưng nó lại bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn.
Nhưng khi chuẩn bị bước tiếp, Esculape chợt để ý thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và giúp con rắn đã chết sống lại. Từ đó, Esculape để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người.
Thần Zeus, chúa tể của các vị thần Hy Lạp cổ đại, sợ Esculape quá tinh thông y học sẽ giúp cho loài người trở thành bất tử nên sai anh em nhà Cyclopes tạo mũi tên sấm sét để trừng phạt.
Nhờ thần Apollon kêu xin, thần Zeus đã tha tội và cho Esculape tham dự vào hàng tinh tú trong chòm sao Nhân mã (Sagittaire). Từ đó, Esculape được xem như thần bổn mệnh của các thầy thuốc.
Thần Esculape lấy vợ là Lampetie và sinh được 2 con gái là Hygie và Panacée, 3 con trai là Thelesphore, Machaon và Podalire. Tất cả 5 người con của ông đều tạo dựng được danh tiếng không kém cha.
Thần Esculape được coi là ông tổ của ngành Y – dược (Ảnh: ST)
Cũng theo truyền thuyết, Hygie đã nuôi rắn thần để chữa bệnh và về sau trở thành nữ thần biểu tượng cho việc giữ gìn sức khỏe con người, do đó môn vệ sinh học được đặt tên là Hygène. Cô con gái thứ hai - Panacée - là nữ thần có khả năng chữa mọi bệnh tật, do đó thuốc chữa bệnh được gọi là Panacée.
Hai người con trai đều tham gia cuộc chiến thành Troy và đã được Homère ca ngợi trong tập trường ca Iliad. Machaon có tài chữa mọi vết thương cho các chiến binh, còn Podalire là một thầy thuốc ngoại khoa tài năng.
Trong nhiều thế kỷ, có thể vào thời kỳ Pindare, đầu thế kỷ thứ 5 TCN, Esculape mới được tôn thờ như một vị thần linh của y học Hy Lạp.
Cũng có lẽ từ thời điểm này, những đền thờ đầu tiên được xây dựng để ghi ơn ông, đồng thời còn được dùng làm nơi khám chữa bệnh. Chữ Esculape về sau đã trở thành danh từ chung để chỉ những người hành nghề y dược.
Để tưởng nhớ Esculape, hậu thế đã dựng bức tượng của ông, tay cầm chiếc gậy làm bằng cây nguyệt quế và một con rắn quấn xung quanh. Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu.
Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Về sau này, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định lấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy là hình ảnh đại diện trong Y học.
Biểu tượng của WHO
Rắn cũng xuất hiện trong biểu tượng của ngành dược. Tuy nhiên, thay vì quấn quanh cây gậy, con rắn sẽ quấn quanh một vật được gọi là chén Hygeia. Nguồn gốc của biểu tượng này có liên quan đến con gái của Esculape là nữ thần Hygie.
Cụ thể, chiếc chén này được cho là vật dùng để đựng thuốc của nữ thần Hygie. Sau đó, chén Hygeia đã được sử dụng như một biểu tượng cho những nhà chế thuốc.
Năm 1796, chén Hygeia được xem như chính thức liên quan đến ngành dược khi Hiệp hội Dược học Paris đã phát hành đồng đúc mang biểu tượng này.
Từ đó, chiếc chén được coi như tiêu biểu cho chén nước thuốc, và con rắn là tượng trưng cho việc có thể cứu chữa được. Hội Dược sĩ Hoa Kỳ đã chính thức công nhận chén Hygeia là biểu tượng cho nghề dược từ năm 1964.