Xử thế nào người tung tin vu khống Phó Bí thư Thanh Hóa có bồ nhí?

Google News

(Kiến Thức) - Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, đối tượng dùng tài khoản mạng xã hội bôi nhọ, vu khống Phó Bí thư Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Vụ việc có tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thanh Hóa có “bồ nhí”, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra kết luận ban đầu khẳng định, đối tượng đã tạo dựng tin nhắn có nội dung bịa đặt, sử dụng facebook Sơn Thai đăng tải, phát tán với động cơ mục đích xấu, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân của đồng chí Đỗ Trọng Hưng - nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Để có sự khẳng định trên, cơ quan công an đã làm việc với chị Nguyễn Thị Trang – nữ nhân vật được đăng tải trên FB Sơn Thái kèm thông tin bịa đặt trên và chị Trang khẳng định, đây là hành vi dựng chuyện, vu khống, xúc phạm nhân phẩm của chị. Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa cũng khẳng định không biết gì về chị Trang.
Ngoài ra, quá trình kiểm tra, xác định các dữ liệu trên máy điện thoại của chị Trang đang sử dụng, bao gồm danh sách các cuộc gọi, tin nhắn đi, đến đều không phát hiện có thông tin gì liên quan đến đồng chí Đỗ Trọng Hưng.
 Những hình ảnh tin nhắn bịa đặt được đăng lên mạng.
Liên quan vụ việc đâng gây xôn xao này, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết, về việc kết luận thông tin là tin bịa đặt thuộc trách nhiệm của Cơ quan Công an Thanh Hóa. Công an có trách nhiệm điều tra, xác minh và khẳng định giữa ông Hưng và chị Trang trong tin đồn cũng như trích xuất toàn bộ tin nhắn và các cuộc gọi giữa hai bên. Dựa trên kết quả điều tra mới có thể đưa ra khẳng định những thông tin này là bịa đặt hay không.
Nói về việc, đối tượng tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội như trên có phạm tội xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân của ông Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư tỉnh Thanh Hóa, nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết, đối với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự. Theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội vu khống.
Theo đó, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống thì đầu tiên, người phạm tội phải là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 12 BLHS, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự cho tội danh này, người từ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về hành vi này do không thuộc trường hợp các hành vi mà người ở độ tuổi này phải chịu trách nhiệm.
Thứ hai, khi thực hiện hành vi này, người phạm tội xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác. Trong khi đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Thứ ba, chủ thể của hành vi này có lỗi cố ý trực tiếp khi thực hiện. Ý thức chủ quan của người phạm tội là xúc phạm nhân phẩm, danh dự, nhân phẩm của người bị hại.
Thứ tư, người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau:
- Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm đến danh dự của người khác hoặc để gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Người phạm tội thực hiện hành vi này có thể bằng cách nói trực tiếp hoặc thông qua các phương thức khác như qua phương tiện thông tin đại chúng, nhắn tin qua điện thoại di động…
 Luật sư Nguyễn Hồng Thái.
- Có hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội, tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác và biết rõ điều đó là bịa đặt (việc biết rõ điều mình loan truyền là bịa đặt là dấu hiệu bắt buộc) nhưng vẫn loan truyền điều bịa đặt đó (như nói cho những người khác biết, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng…) cho người khác.
- Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Được thể hiện qua việc tự mình bịa ra rằng người khác có hành vi thực hiện một tội nào đó và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát… mặc dù thực tế người này không phải là người thực hiện những hành vi phạm tội đó.
Trong trường hợp các hành vi nêu trên không có mục đích nhằm xúc phạm danh dự của người khác thì hậu quả gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Người phạm tội đối với tội danh này chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Các mức hình phạt của tội danh này được chia thành :
- Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm;
- Bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm;
Bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;
- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Như vậy, trong trường hợp xác nhận có đối tượng dùng tài khoản FB bôi nhọ, vu khống Phó Bí thư tỉnh Thanh Hóa và nữ công dân, đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 156 Bộ Luật Hình sự 2015”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết.
Nêu ý kiến về việc nếu đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên sử dụng máy chủ ở nước ngoài thì xử lý như thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết:
“Qua bốn yếu tố được xác định ở trên, có thể thấy rằng công cụ để thực hiện hành vi vu không người khác không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh của người phạm tội.
Tuy nhiên, nếu đối tượng dùng máy chủ nước ngoài để thực hiện hành vi, cần xét đến phạm vi lãnh thổ theo quy định tại Văn bản hợp nhất hình sự 2017. Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam”, Luật sư Thái nói.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, nếu người phạm tội là công dân Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.
Hải Ninh

Bình luận(0)