Trong khi có luồng ý kiến cho rằng, những thầy cô vi phạm đạo đức nghề giáo, vi phạm pháp luật liệu có còn xứng đáng đứng trên bục giảng?
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo được lấy ý kiến từ ngày 28/9/2018.
|
Cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu.Ảnh mang tính minh họa |
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy từ 1-6 tháng...
Theo ông Nguyễn Sóng Hiền, NCS Trường Đại học Newcastle (Australia) cho rằng, nghề giáo là một nghề đặc biệt liên quan đến con người vì vậy ngay trong luật giáo dục cũng đã có những quy định cụ thể về các yêu cầu phẩm chất cũng như năng lực của nhà giáo cho nên việc ban hành thêm nghị định xử phạt không cần thiết.
“Nếu ban hành nghị định thì liệu nó sẽ bị chồng chéo với các luật khác hay không? Chẳng hạn xúc phạm nhân phẩm người khác thì trong luật dân sự cũng đã có quy định cụ thể rồi”- ông Hiền băn khoăn.
Ông Hiền phân tích, trong thực tế giảng dạy, mỗi giáo viên quản lý một lớp học 50 đến 60 học sinh. Những học sinh này có nền tảng gia đình khác nhau, nền tảng văn hoá và giáo dục khác nhau, tính cách khác nhau, có những sở thích và đam mê khác nhau. Vì vậy, để có thể hướng các em trở thành những người tốt mỗi giáo viên đã phải nỗ lực rất nhiều. Trong khi đó đời sống họ chưa đảm bảo, cơ sở vật chất dạy và học còn thiếu thốn
“Theo tôi, cần có một điều tra khảo sát đánh giá những tác động tiêu cực trước khi ban hành các nghị định. Điều nguy hại nhất nó lại phản giáo dục vì có thể gây ức chế tâm lý hay chán nản cho giáo viên”- Ông Hiền nói.
Phạt tiền không đủ sức răn đe?
Thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên trưởng môn Toán HV Nông nghiệp cho rằng, nếu các thầy các cô lăng mạ hoặc đánh đập học trò, nhẹ thì họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nặng thì xúc phạm nhân phẩm hay thân thể người khác, việc phạt tiền xem ra là không đủ sức răn đe và trái luật.
“Những thầy cô vi phạm đạo đức nghề giáo, vi phạm pháp luật liệu có còn xứng đáng đứng trên bục giảng để dạy trò”- thầy Vĩnh băn khoăn.
Đồng tình với quan điểm này, một giáo viên dạy Toán có tiếng ở Hà Nội cho biết, nghị định đưa ra lấy ý kiến chưa tính hết được và không hiểu giáo viên hàng ngày chịu áp lực lớn từ học sinh và phụ huynh như thế nào.
Giáo viên này cho biết, nếu chỉ nói giáo viên hay học sinh không cho phép làm, nhưng lại không có chế tài cụ thể, cách xử lý thì không hiệu quả. Hãy nhìn nhận vấn đề ở hai khía cạnh. Thứ nhất, không giáo viên nào muốn bạo lực cả. Còn khía cạnh thứ 2, nếu giáo viên thiếu kiềm chế mà bạo lực, thì nên ra khỏi ngành, không nên đưa ra chuyện phạt ra ở đây.
“Ai sai có luật công chức, viên chức rồi. Còn vi phạm đạo đức nhà giáo thì nên thôi làm giáo viên, giáo viên đã bị phạt rồi thì dạy được ai nữa. Nên tôi nghĩ tính khả thi là không cao”- thầy giáo này nhấn mạnh.