Chiều ngày 11/4, ba cơ quan là Công an, VKS và TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã về địa phương của 3 thanh niên bị oan là các anh Khưu Khánh Sỹ, Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt để xin lỗi. Buổi xin lỗi được tổ chức tại khuôn viên UBND xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
Vẫn tin tưởng vào công lý
Tại buổi xin lỗi, Ông Võ Gia Bình (phó Viện trưởng – phụ trách VKSND huyện Bình Chánh) đã thay mặt liên ngành tố tụng Bình Chánh, bày tỏ sự đáng tiếc khi làm oan người vô tội.
“Những thiệt hại mất mát mà các anh và gia đình các anh đã chịu không ai có thể bù đắp được. những cán bộ gây oan đã nhận các hình thức xử lý kỷ luật. Mong các anh thông cảm, sớm vượt qua khó khăn và luôn tin tưởng vào công lý. Chúng tôi xin hứa sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ năng lực để trong thời gian tới không một người nào, gia đình nào phải chịu thiệt hại do bị làm oan. Tới đây, chúng tôi sẽ đăng lời xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng theo yêu cầu của các anh và bồi thường oan sai theo quy định”.
|
Đại diện 3 cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh xin lỗi. ảnh: Tân Châu. |
Ông Trần Văn Huỳnh – cha của thanh niên Uống (đại diện cho cả ba thanh niên) phát biểu: “Con cháu chúng tôi từ nhỏ trái ớt trái cà nhà người cũng không dám đụng, vậy mà phải chịu nhục nhã suốt nhiều năm trời vì bị kết tội oan. Mong các ông nhận ra sai phạm, cố gắng học tập, rèn luyện trau dồi nghiệp vụ và đạo đức để không làm oan nữa”.
Luật sư Trịnh Công Minh (thay mặt cho các luật sư Phạm Công Hùng, Huỳnh Kim Ngân – bảo vệ miễn phí cho 3 thanh nhiên) nói: “Việc làm sai trong hoạt động tố tụng là chuyện không hiếm, nhưng việc thừa nhận sai lầm là một việc làm dũng cảm và đáng hoan nghênh”.
Như Tiền Phong đưa tin, ngày 10/12/2012, Công an huyện Bình Chánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can Uống, Sệt và Sỹ để điều tra hành vi “Cướp tài sản”.
Ngày 9/12/2015, ông Lê Thanh Tòng - Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh, ban hành cáo trạng (lần 2) truy tố ba thanh niên Uống, Sệt và Sỹ tội danh “Cướp tài sản”.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu, VKS Bình Chánh đề nghị HĐXX tuyên mỗi bị cáo 7-8 năm tù cho tội danh “Cướp tài sản” và tòa tuyên phạt Uống và Sỹ 1 năm 7 tháng 9 ngày tù, bằng thời gian tạm giam và thả tự do ngay tại tòa.
Ngày 20/9/2014, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND TPHCM tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Tòa yêu cầu điều tra làm rõ việc lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai bị hại; ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của bị hại, không có chứng cứ buộc tội khác.
Chiều 17/3/2016, TAND huyện Bình Chánh sau khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2, HĐXX đã quyết định hoãn xử vì vắng mặt bị cáo Khưu Khánh Sỹ và người bị hại Phan Thanh Quyền.
Nhận thấy dấu hiệu oan sai của vụ án, báo Tiền Phong vào cuộc phản ánh, loạt bài của báo nêu lên những dấu hiệu bất thường của vụ án. Ngay sau đó, VKSND tối cao có văn bản yêu cầu VKSND TP.HCM kiểm tra lại vụ việc mà báo Tiền Phong nêu đồng thời yêu cầu VKSND TP.HCM báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Ngày 30/11/2016, VKSND huyện Bình Chánh ban hành các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vì không đủ căn cứ kết tội các thanh niên trong vụ án.
Sau đó, kiểm sát viên Mai Hoàn Đông (VKSND huyện Bình Chánh) - người trực tiếp kiểm sát việc giải quyết vụ án đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền. Thẩm phán Nguyễn Văn Quý (TAND huyện Bình Chánh) – chủ tọa phiên tòa - bị cảnh cáo về mặt Đảng.
|
3 thanh niên cùng gia đình và các vị luật sư tại buổi xin lỗi. Ảnh: Tân Châu.
|
Thức trắng đêm chờ đến giờ được “minh oan”
“Không ngủ được anh ơi” – thanh niên Ong Văn Sệt nói với PV. Theo Sệt, đêm qua (10/4) Sệt thức trắng đêm, anh mong chờ giờ phút công khai mình vô tội vì hy vọng “Khi mà mấy cơ quan Bình Chánh tổ chức xin lỗi, báo chí đăng tải, bà con đọc báo mới biết mình bị oan, chứ mà tới giờ có ai biết mình oan đâu” – Sệt nói.
Cũng theo Sệt, hồi tháng 6/2016 thì Sệt được cho tại ngoại, từ trại giam Chí Hòa, Sệt đi xe ôm về nhà chị gái ở TP.HCM. “Hai chị em mừng mừng, tủi tủi chưa được bao lâu thì tui như bị sét đánh” – Sệt nhớ lại gây phút sau bữa cơm tối thì chị gái kể cha mình đã mất.
“Lúc đó tui buồn lắm, 500 ngày Sệt trong trại tạm giam, ở ngoài cha mất nhưng gia đình giấu vì sợ mình buồn” – Sệt “lý giải” chuyện cha chết mà mình không được báo tin. Rồi ngay trong đêm, Sệt ra bến xe về quê thắp nhang cho cha. Khi về đến mái nhà lá cũ kỷ, thấy mẹ lẻ loi một mình không cha, Sệt ôm chầm lấy mẹ.
“May mắn” hơn Sệt là thanh niên Trần Văn Uống, từ ngày bị bắt Uống được người cha là ông Trần Văn Huỳnh “Bỏ hết việc nhà chạy kêu oan”. Khi hay tin con trai bị bắt, ông Huỳnh lên TP.HCM kiếm việc làm “Để gần con trai và tiện kêu oan”.
Chỉ tay vào “ba sào đất của người ta”, ông Huỳnh cho biết đó là đất của người ta, trước là của tui, tui bán nó được 70 triệu đồng để lo cho con, chừ mà mua lại hàng trăm triệu đồng thì người ta cũng không bán. Cũng theo ông Huỳnh, ngoài chuyện bán đất, vay mượn nợ, cực khổ trăm bề, ông vẫn có một niềm tin là con ông vô tội, vì vậy ông rong đuổi khắp nơi để kêu oan. Ông Huỳnh giãi bày: Nhưng tui chỉ cứu con trai tui thoát tù tội thôi, còn gia đình nhỏ nó tan nát rồi, tui nào cứu được”.
“Gia đình nhỏ” của Uống chính là ngôi nhà lá, ở đó khi chưa bị bắt nó có tiếng cười trẻ thơ, của đôi vợ chồng trẻ, nhưng nay thì “Em bị bắt là vợ bỏ em rồi” – Uống buồn nói với phóng viên trong ngày được minh oan. “Em ở tù hơn một năm, một hôm vợ nói rằng đường ai nấy đi” – Uống thuật lại ngày vợ nói lời dứt tình. “Mình lúc đó vào thế đang ở tù biết trả lời sao, thôi thì duyên số nó vậy” – Sệt cho hay.
Với thanh niên Khưu Khánh Sỹ, đây là nam thanh niên chấp nhận án tù (bản án sơ thẩm), sau khi tòa tuyên án, Sỹ chấp nhận án phạt. Được hỏi vì sao không kháng cáo, Sỹ nói bận đi làm…