Ngày 28/6, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường lấy ý kiến của phụ huynh học sinh lớp 12 về việc có đồng ý cho con dự thi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra ngày 7 và 8/7.
Cho dù ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết việc lấy ý kiến này không phải để quyết định thi hay không, nhưng đã tác động mạnh tới tâm lý của phụ huynh và học sinh.
|
Các câu hỏi thăm dò ý kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM |
Về “phe” thi, em Hoàng Thanh Hằng, học sinh lớp 12 tại Quận 10, TP.HCM cho biết em muốn thi ngay đợt 1 cho xong vì nếu chưa thi lần này thì sẽ phải tiếp tục học ngày học đêm trong khi không biết khi nào mình mới thi sẽ rất mệt mỏi và áp lực.
“Sở cũng đang cố gắng mọi cách để an toàn cho thí sinh, tất cả thí sinh và giáo viên đều được sàng lọc rồi mới cho tham gia thi. Nếu chờ thi đợt 2, liệu có chắc khi đó TP.HCM an toàn hơn không?”.
Tuy nhiên, cũng rất đông phụ huynh cho hay không yên tâm để con tham dự kỳ thi khi dịch Covid-19 ở TP.HCM đang diễn biến rất phức tạp.
Chị Mai Hương (Quận 2) cho biết gia đình chị đã thống nhất không để con đi thi đợt 1.
“Tôi biết là bây giờ tụi nhỏ đang rất mệt mỏi, con mình cũng rất áp lực, mỗi ngày vẫn đang làm hết đề nọ đến đề kia nên ban đầu cũng muốn thi cho xong. Nhưng sau khi cùng ngồi lại phân tích và cân nhắc, chúng tôi quyết định không đánh liều sức khỏe của con và gia đình vào lần thi này. Không đợt 1 thì đợt 2, không năm nay thì năm sau thi, khi nào an toàn tôi mới cho con đi thi”.
“Tại sao không lùi lại để TP.HCM có thêm thời gian để chống dịch thì tỉ lệ rủi ro sẽ thấp hơn là nhất quyết thi vào giai đoạn này? Nếu Sở GD-ĐT TP.HCM nhất quyết tổ chức thi đợt 1 thì Sở cần cam kết hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra cho thí sinh trong đợt thi này”.
Chị Phạm Ngọc Anh ở Rạch Giá, Kiên Giang là phụ huynh có con là thí sinh tự do, đăng ký dự thi tại TP.HCM cũng vô cùng lo lắng khi biết tin Sở GD-ĐT dự kiến phương án tổ chức thi đợt 1.
“Chỗ tôi ở cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi chuyến xe khách đều không hoạt động. Gia đình tôi cũng không đủ tài chính để thuê cả một chiếc xe để đưa con lên Sài Gòn thi. Chuyện học là cả đời nhưng con tôi thì chỉ có một, nếu như cố đi thi không may bị dính bệnh thì ai sẽ là người chịu trách nghiệm hay chỉ có gia đình tôi?” – chị Ngọc Anh bày tỏ và mong lịch thi được lùi lại.
|
Học sinh TP.HCM trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Ảnh: Thanh Tùng |
Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, một hiệu trưởng trường THPT tại Quận Bình Thạnh cho biết kết quả thăm dò ý kiến phụ huynh ở trường ông và khoảng 5 trường bạn mà ông đã trao đổi đang nghiêng về phương án số 3 - "Phụ huynh không yên tâm và không đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khóa ngày 7-8/7/2021".
"Số nghiêng về câu 1 - "Phụ huynh yên tâm và đồng ý cho con thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khóa ngày 7-8/7/2021" chỉ chiếm từ 15-20%. Trong khi đó có khoảng 60-70% đánh dấu vào câu hỏi số 3. Tâm lý này của phụ huynh là dễ hiểu. Cứ đặt địa vị mình có con em đi thi trong năm nay thì với tình hình dịch bệnh như thế này, ai cũng sẽ lo lắng thôi. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang chuẩn bị hết sức để đảm bảo an toàn nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được TP.HCM quyết định tổ chức vào đợt 1" - vị hiệu trưởng này cho biết.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Quận 10 thì cho biết tỉ lệ tán thành câu hỏi 3 ở trường của ông là 56%, còn 44% chia cho hai câu hỏi còn lại.
Vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ quuan điểm của bản thân: "Suốt thời gian qua theo dõi diễn biến dịch bệnh ở TP.HCM tôi rất lo lắng vì mỗi ngày qua số ca lây nhiễm tăng, mà chủng virus này rất nguy hiểm. Hiện nay mọi người dân thành phố không được chủ quan, lơ là và hãy bảo vệ mình để cùng lãnh đạo thành phố đẩy lùi dịch bệnh, đó là công tác trọng tâm và là công tác an dân hàng đầu.
Chính vì thế, tôi nghĩ chúng ta nên lùi kì thi tốt nghiệp THPT lại đợt 2 vì có nhiều vấn đề mà khó khăn phức tạp: giải quyết thế nào cho hàng nghìn thí sinh tư thục đang ở quê lên thành phố rồi ăn đâu? Ở đâu? trong khi các chợ đóng cửa, hàng quán giảm, không tụ tập. Nếu thi thì công tác tầm soát cho gần 100.000 thí sinh và cán bộ coi thi không hề đơn giản về thời gian cũng như nguồn kinh phí. Nếu tâm soát sớm ngày thi thì nguy cơ lây bệnh bên ngoài khó kiểm soát, hậu quả khó lường".
Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho hay kỳ thi tốt nghiệp THPT ngoài thi để xét tốt nghiệp còn là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học. Với hầu hết các thí sinh, xét tuyển vào đại học là mục tiêu quan trọng, do đó mong muốn được thi lần đầu.
Vì vậy, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế để tổ chức tốt kỳ thi và đảm bảo yêu cầu 5K.
Theo ông Hiếu, kỳ thi đợt 1 sẽ dành cho các thí sinh không thuộc diện F. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã đề nghị với Sở Y tế thực hiện xét nghiệm toàn bộ thí sinh để tạo sự yên tâm cho các em và phụ huynh.
Sở cũng đã thông báo đến từng trường học đề nghị học sinh sau khi xét nghiệm xong nên có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khoẻ tốt trước khi đi thi, hạn chế ra đường.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho khoảng 15.000 cán bộ và nhân viên làm công tác coi thi. Riêng các giáo viên coi thi đã được tiêm vắc xin.