Xâm nhập trường gà lớn nhất Tây Nguyên

Google News

Chỉ mở cửa vào thứ bảy và chủ nhật, nên trường gà thu hút từ 200-300 con bạc từ khắp các tỉnh Tây Nguyên, Trung Bộ đến cáp độ. Các băng “xã hội đen” Gia Lai, Hải Phòng được thu nạp để bảo kê.

Giam người vì thiếu nợ 300 triệu
Muốn vào được trường gà, phải có người bảo lãnh, và đương nhiên phải là dân cáp độ. Trường gà nằm ở 1 địa điểm thuộc Gia Lai giáp ranh với tỉnh Phú Yên, đáng ngạc nhiên, lại sát QL25 chưa đến 200m, ẩn trong bởi vườn xoài xanh mướt. Chưa đến cổng, đã thấy hàng chục xe ôtô đậu san sát, ngoài ôtô Toyota Hillux, ôtô 16 chỗ, dân cáp còn thuê Sun Taxi, Mai Linh Taxi đến chơi, xe máy ken chật hàng trăm chiếc.
B - người dẫn đường - dắt tôi vào cổng. 4 thanh niên đứng gác, cởi trần trùng trục, rồng phượng xăm kín lưng, phát cho tôi số thẻ 157, B đeo thẻ 161. Tức lúc này, trường gà đã có 161 người, kể cả tôi và B. Vào sòng, tiếng người hò hét hỗn loạn, quây vòng tròn sới gà. Hai con gà chiến “ô” và “tía” đá hăng say, máu đổ loang lổ.
Quan sát, trường gà này rất rộng, tường được xây bằng ximăng cao đến 1m, bên trên giăng thép B40 cao gần 3m. Trường do “ông trùm” tên Lượm làm chủ. B nói: “Trước đây, trường gà mở ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa), dù chẳng ai dám bắt, nhưng người dân nhìn vào “khó coi”, đành di chuyển xuống Chư Ngọc”. Lúc tôi vào sòng, dân cáp độ liên tục hô to: “1 chai - 5 chai” (1 triệu ăn 5 triệu); “8 xị - 2 chai” (8 trăm ngàn ăn 2 triệu). Trường gà mỗi lúc mỗi đông, số thẻ phát đã lên con số hơn 300, tức có 300 con bạc đến cáp độ. Xung quanh, khoảng 20 con gà chiến đỏ rực được nhốt trong lồng sắt, lồng lộn thách nhau bằng tiếng gáy, chực chờ đưa vào sòng huyết chiến.
B phân tích: “Muốn đưa gà lên sòng đá, tiền chi cho chủ trường là 200 ngàn đồng, còn 2 chủ gà muốn đá phải cáp độ thấp nhất 50 triệu đồng. Chủ trường hưởng 50 ngàn đồng/ triệu tiền cáp độ”. Xung quanh, dân cáp độ cứ hô “1 chai - 3 chai”, “1 chai - 5 chai” 2 chai - 3 chai”, sau mỗi lần hô, chủ trường ghi các phiếu biện đưa cho người cá cược. Gà đá độ được quy định đá 25 hồ (hiệp), 1 hồ/ 20 phút, sau mỗi hồ, người của trường gà gõ vào ống sắt, báo hiệu nghỉ đá 5 phút. Hai con gà độ được kéo ra, chủ gà uống nước, rồi phụt vào khăn, xoa xoa làm lạnh đầu gà. Khăn lau tới đâu, máu gà loang thấm đến đó. B nói, mỗi ngày tiền cáp độ lên đến 2-3 tỉ đồng, thắng thua sòng phẳng, thua thì trả tiền. Mọi xích mích, gây hấn đã có giang hồ bảo kê nên dân cáp độ không dám làm liều. “Vừa rồi, có dân cáp người Phú Yên máu cáp, bị thua 300 triệu đồng, bị người của chủ trường giam lại 2 ngày. Khi người nhà đem tiền lên chuộc, mới được thả ra”- B kể.
Anh nói, dân cáp ở đây nếu thiếu tiền thì được chủ trường cho vay, nhưng với giá “cắt cổ”. “Thấy con gà lên chân, kết quá, muốn cáp 200-300 chai (triệu đồng) mà tiền túi không đủ thì vay chủ trường. Lãi tính theo tiếng, cứ 1 triệu đồng lấy lãi 50 ngàn/ tiếng. Thắng thì ăn, trả lại. Thua thì điện người nhà lên chuộc về”.
Gà chiến tại trường gà ông trùm Lượm ở Krông Pa (Gia Lai). 
Như chỗ không người
Ở trường gà ông trùm Lượm, mọi động tĩnh của người lạ bị theo dõi sát sao. Dù cải trang thành dân đá gà chuyên nghiệp, tôi vẫn hơi rùng mình khi vào trường gà của ông trùm này. Cánh giang hồ bảo kê mình trần, rồng rắn xăm trổ đủ kiểu, cứ đi đi lại lại xung quanh vòng ô lớn để quan sát động tĩnh. Bất kì ai xâm nhập, nếu bị lộ, coi như không nói trước được điều gì. Vì trường gà quá đông, lúc 4h chiều 4.3, dân cáp độ đã lên 300 người, nên thi thoảng tôi vẫn thoát khỏi ánh mắt theo dõi của cánh bảo kê.
Ở giữa trường gà xây 2 ô vòng tròn, ô lớn rộng 6m để 2 gà chiến đá độ, ô nhỏ rộng 3m để luyện gà chờ lên sàn. Cái nắng ở Krông Pa - được mệnh danh là chảo lửa Gia Lai - càng nóng lên sau mỗi lần hò hét của dân cáp độ. B cho biết, trường gà chỉ đá mỗi Thứ 7 và Chủ nhật. Để báo hiệu trường gà hoạt động, cành lá xoài hoặc điều được rải mép QL25, nếu không có lá rải ở đó, coi như trường gà vì lí do nào đó, tạm ngừng hoạt động. Trường gà của trùm Lượm mở được 4 tháng nay. Thời gian mở sòng bắt đầu từ khoảng 8h sáng, đá đến 20h là nghỉ. Trường được xây dựng quy mô, bêtông xi măng hẳn hoi, đèn điện thắp sáng cả ngày lẫn đêm, ở đây có khu vệ sinh riêng biệt. Dân độ đã vào cáp thì chỉ khi nào gà độ bị thua mới được bảo lãnh ra về, trước khi về phải trả thẻ, chủ biện kiểm tra phiếu cáp, xem có cáp hay không, tránh trường hợp trốn tiền thua cáp.
Gà độ đá liên hồ, không có giờ nghỉ, thế nên, dân cáp độ không thể ra ngoài. Nhờ thế, vợ trùm Lượm mở luôn tiệm ăn uống trong trường gà. Cơm được nấu phân ra 400 - 500 hộp mỗi ngày, ai đói thì mua ăn, ngoài ra có mì tôm trứng, trứng gà, nước ngọt, nước suối tiêu thụ hàng ngàn chai mỗi ngày, giá cả vì thế gấp đôi, gấp ba bên ngoài...
Giữa cái nắng hầm hập, mái che trường gà được dựng bằng tôn nên nóng nắng như đốt. Dân cáp độ thay nhau ra võng ngủ nghỉ, ngủ xong ra cáp tiếp. Huyên náo, ồn ào và nhộn nhịp. Phía trong sới gà, 2 con gà “ô” và “tía” đá từ 9h sáng đến 14h mới phân được thắng bại. Không có còn nào chết hoặc bỏ chạy, mà vì 1chủ gà biết gà mình đã thua nên xin dừng lại, chung tiền. Hai con gà chiến khác được lôi ra khỏi lồng sắt đưa vào ô sới, chủ gà chờ hiệu lệnh, để thả đá. Sau mỗi trận thua, thắng, dân cáp độ móc túi từng xấp tiền mặt 500 ngàn để phân trả cho người thắng. Thấy tôi nhìn chằm chằm, B ghé tai: “Nhằm nhò gì, vào đây cáp thì phải dằn túi tiền tỉ”. B chỉ tay he hé vào thanh niên áo đen, đầu đinh, đeo móng cọp ở cổ nói: “Trận vừa rồi (gà “ô” và “tía” đá trận đầu), nó ăn được 220 triệu đấy”. Tôi xuýt xoa: “Ở đây, đá lớn hơn chỗ em. Để tuần sau em nói anh em hùn tiền, xuống đây cáp cho máu”. B khuyến khích: “Ở đây “an ninh” lắm. Yên tâm, thắng thì tiền trao liền tay”. B còn dặn dò tôi, nếu đưa gà xuống đá cáp thì nên đưa con tầm 3kg-3,2kg cho dễ “đồng cân đồng lạng”, sớm lên sới.
Trận gà thứ 2 đang diễn ra được 2 hồ (40 phút), tôi ngỏ ý muốn ra về. B nói: “Chưa được, xong toàn trận mới được về. Ở đây, không phải ai muốn ra vào lúc nào cũng được”. Tôi phải đợi thêm 2 hồ nữa, lúc này, B phải nhờ người của chủ trường bảo lãnh cho tôi ra về.
Muốn về, tôi phải đến bàn chủ biện, để chủ biện giở tờ giấy A0 ra, dò số 157 của tôi và 161 của B xem có cáp không, thấy không có cáp, tôi được gật đầu ra về. Ra đến cổng, 4 giang hồ “an ninh” lấy lại thẻ, mở cổng cho đi. “Trường được bao kín xung quanh, chỉ được mỗi cánh cổng này, lỡ công an ập vào, khác nào toàn bộ dân cáp độ mắc kẹt trong trường gà?”, Thấy tôi thắc mắc, B cười: “Đã đứng ra mở trường làm ăn lớn như thế này là phải “lo lót” hết cả. Tỉnh và huyện đều đã được “ngoại giao” rồi. Lời của B càng được củng cố khi trước đó, cánh bảo kê tuyên bố: “Trường hoạt động rất “chắc ăn”. Không sợ tỉnh, chỉ sợ công an Bộ vào, là bó tay”.
Sự “yên ả” đáng ngờ
Ông trùm Lượm trước đây là dân xóc đĩa, cờ bạc chuyên nghiệp. Sau đó “giải nghệ”, mở trường gà ở ngay giữa thị trấn Phú Túc, sau chuyển xuống thôn B’Lang, xã Chư Ngọc sát phạt. Một trường gà xây dựng bài bản, quy mô, hoạt động phi pháp công khai đã đặt ra nhiều nghi vấn.
Trao đổi với PV Lao Động, Thượng tá Phùng Quang Tuấn - Trưởng Công an huyện Krông Pa (Gia Lai) - tỏ ra bất ngờ: “Giờ nghe anh nói, tôi cũng chỉ biết thế thôi. Trước đó, cũng đã cho anh em đi nắm tình hình, kiểm tra”. “Mình kiểm tra nhưng không phát hiện?”. Trả lời câu hỏi PV, Thượng tá Tuấn bình thản: “Anh em địa bàn đi kiểm tra thì nghe nói, có xây trường gà, chứ người ta tổ chức thế nào thì không nắm được, không rõ”. Về vấn đề này, Trưởng phòng Tham mưu CA tỉnh Gia Lai - Thượng tá Trần Ngọc Anh khẳng định: “Tất cả mọi vấn đề an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn, thẩm quyền xử lý là trách nhiệm của công an huyện”.
Tương tự, Bí thư Huyện ủy Krông Pa (Gia Lai) Nguyễn Duy Anh cũng tỏ ra không hay biết gì. “Có trường gà à? Sao tôi không thấy anh em báo cáo gì cả. Cảm ơn thông tin của PV, tôi sẽ cho anh em kiểm ngay”, ông nói. Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45, CA Gia Lai) cho biết, trường gà ở thôn B’Lang, xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa) là do 1 đối tượng tên Lượm làm chủ, tên thật là Long. Người dân địa phương có báo lên PC45 về trường gà này. “Nếu tình hình phức tạp, buộc đơn vị cho anh em xuống “xử lý”. Mặc ai nói “dài tay” thì cũng phải dẹp”- vị cán bộ này nhấn mạnh.
Theo Khánh Băng/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)