Ảo tưởng sức mạnh
Ở vùng đất Yên Thủy (Hòa Bình) hơn 30 năm về trước, nhắc đến “vua” bùa Mường ai cũng sợ. Ông là Bùi Văn Hiển, sinh năm Đinh Dậu – người thôn Thấu, xã Lạc Sĩ, huyện Yên Thủy. Ngày ấy, người ta tôn sùng, phục dịch ông bởi họ cho rằng ông có khả năng siêu nhiên, có thể làm phép chữa bệnh hoặc khiến người khác phát điên.
Thật tình cờ, chúng tôi gặp được ông Hiển ở thôn Ong, xã Lạc Sỹ trong một ngày mưa cuối năm. Ban đầu, ông Hiển khá dè dặt vì cho rằng chuyện sử dụng bùa ngải ngày trước đã lui vào dĩ vãng. Hiện tại, sau khi chuyển về thôn Ong, thú vui của ông là lên nương, nấu rượu và làm bạn với chim muông. Thế nhưng, thấy tiết trời lạnh giá mà khách lặn lội từ đường xa về thăm, ông cũng vồn vã mang rượu trong nhà ra thết đãi.
|
Ông Hiển bên cạnh chiếc dao đi rừng từng gắn bó với ông thời còn hành nghề thầy cúng. Ảnh: PV |
Khi những chén rượu ngô nồng ấm khiến cả chủ - khách đều ngà ngà say, bên bếp lửa bập bùng, ông Hiển mới chậm rãi kể về chuyện xa xưa.
Ông Hiển bảo, năm 1977, khi vừa tròn 20 tuổi, nhờ một cơ duyên mà ông gặp được thầy mo nổi tiếng vùng Mường Bi của Hòa Bình. Mỗi năm thầy chỉ nhận 3 đệ tử trong số hàng trăm người đến xin học để truyền dạy các bài bùa phép nhưng phải đóng một khoản học phí rất lớn.
Sau đó Bùi Văn Hiển đã bán một con bò để có tiền tầm sư học đạo. “Cứ buổi tối tôi lại khăn gói đến nhà thầy, cùng 2 người bạn học đến nửa đêm. Bùa yêu, thuật đoán tuổi tác, cân nặng, số lượng chỉ bằng việc nhìn qua mắt thường, thuật chữa bệnh mụn nhọt bằng nước lã, thuật cho tiếng ếch nhái kêu trong ngực phụ nữ…, chúng tôi học và làm được thành thạo trong vòng một năm. Sau đó, 3 anh em xuống núi hành nghề”, ông Hiển nhớ lại.
Theo lời ông Hiển kể, năm 1979, có một người phụ nữ tên là Bùi Thị Thực quê ở huyện Cao Phong (Hòa Bình), sau khi sinh con thì bị sót nhau thai trong bụng. “Lúc tìm đến tôi thì ôm bụng đau quằn quại, tưởng như chết đến nơi. Tôi áp dụng cách chữa của thầy dạy kết hợp dùng một số loại cây rừng nên sau đó đã cứu được chị ấy”, ông Hiển nói.
Nhiều người sau khi thấy ông Hiển tự dưng có “phép” thì bán tín, bán nghi nên đặt trò thách thức, cá cược. Họ yêu cầu ông phải đoán được cân nặng của con lợn, bao thóc… thì sẽ trả thưởng hậu hĩnh. Bằng những thủ thuật đã được học, ông Hiển lúc đó đã kiếm được bộn tiền.
Tháng 4/1981, ông Hiển bắt đầu mưu sinh bằng nghề thầy cúng ở tại thôn Thấu, xã Lạc Sĩ. “Không chỉ người dân trong vùng mà cả những huyện lân cận cũng rủ nhau tìm đến. Vì vậy, ngày nào nhà ông Hiển cũng chật kín người, có khi kéo dài ra tận đầu ngõ”, anh Bùi Văn Dũng, một người dân sống gần nhà ông Hiển cho biết.
Còn theo ông Hiển, dù có hàng chục người đến tập trung tại nhà nhờ xem bói, trị bệnh nhưng ông chỉ nhận 8 người/ngày. Mỗi lần xem hay trị bệnh, ông thu từ 5 – 10 đồng/người, là một số tiền lớn lúc bấy giờ.
Mỗi buổi, “vua” Hiển ngồi trên chiếc đệm to trên thềm, những người đến thì ngồi tập trung dưới sân nhà. Ai được ông Hiển chọn chữa bệnh hay xem bói giúp ngoài số tiền phải trả thì phải phục dịch theo sự chỉ đạo của ông từ việc điếu đóm, cơm nước, giặt giũ. “Cũng chính vì điều này mà mọi người đặt cho tôi biệt danh là “vua” Mường và khiến tôi ảo tưởng nghĩ mình là ông vua thực sự của chốn núi rừng này”, người đàn ông 60 tuổi nhớ lại.
Có khi, thời tiết chuyển mùa, biết sắp có mưa giông, nên “vua” Hiển tổ chức họp vào giữa trưa, cầm con dao đi rừng đọc câu thần chú, khua chân múa tay, đúng lúc trời tối sầm lại, ông Hiển phán rằng các thần linh đòi ăn, phải làm lễ cúng, nếu không cả bản sẽ bị trừng phạt. Lễ vật do dân bản góp, còn lợn thì bắt của nhà đội trưởng đội sản xuất.
Để thuyết phục, ông Hiển nói với anh đội trưởng đội sản xuất: “Thần linh muốn ăn con lợn nhà mày vì nó đúng 51 cân 7 lạng. Nếu đoán sai tao sẽ trả lại mày gấp 10 lần con lợn đó, nếu đoán đúng thì mày phải thịt lợn cho dân làng ăn”. Ông nói xong thì cả bản hò reo nên dù ấm ức nhưng vị đội trưởng đội sản xuất cũng phải nghe theo.
Khi ông Hiển cho đám cận vệ của mình đến bắt lợn để cân thì đúng 51 cân bảy lạng không hơn, không kém. Kể từ đó, “danh tiếng” của ông Hiển ngày một tăng khiến chính ông thêm ảo tưởng về sức mạnh của bản thân và cho mình những việc vi phạm pháp luật.
Có lần bố vợ của ông Hiển đến nhà thăm con gái, ông Hiển phán: “Đây là chỗ ở của vua, muốn gặp con gái thì đi xuống bếp”. Câu nói này của ông khiến vợ và bố vợ giận tím mặt. Rồi cũng không ít lần “vua” Mường gạ người dân cá cược rồi dùng “phép” đoán số lượng, cân nặng các vật dụng để chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người bức xúc, thậm chí thù hằn.
Làm lại cuộc đời
Những việc làm của ông Hiển khi đó đã khiến tình hình an ninh trật tự của địa phương bị ảnh hưởng. Cuối năm 1982, Công an tỉnh Hòa Bình kết hợp cùng các cán bộ của huyện Yên Thủy tiến hành bắt giữ. “Lúc bị công an vây bắt, tôi trốn vào rừng 3 ngày 3 đêm sau đó do quá đói rét nên đã tự động đi ra đầu thú và phải chịu mức án 5 năm tù giam vì những việc đã gây ra”, ông Hiển cho hay.
Cải tạo tốt nên 4 năm sau, ông Hiển đã được ân xá ra tù trước thời hạn. Trớ trêu thay, trong quãng thời gian đó bố mẹ ông đã qua đời. Hơn một năm sau, người vợ đầu ấp tay gối của ông cũng bất ngờ bạo bệnh rồi “trở về với đất” để lại đứa con thơ dại.
Người vợ hai là Bùi Thị Chẻm ở tận vùng Kim Bôi (Hòa Bình), vì thương cảm hoàn cảnh mà tình nguyện về làm vợ ông Hiển vào năm 1990. Họ có với nhau thêm một người con trai. Hiện, người con trai cả của ông Hiển đã lập gia đình và có hai cháu trai kháu khỉnh, người con trai thứ 2 đang làm xây dựng ở Hà Nội.
“Hàng ngày, vợ chồng tôi làm nương, nuôi gà, nấu rượu. Cuộc sống có phần khó khăn nhưng lúc nào cũng vui vẻ và không phải lo nghĩ gì nhiều. Nhiều đêm chồng tôi vẫn tâm sự rằng, cái nghề “buôn thần bán thánh” nếu không bỏ sớm thì cũng có ngày chuốc họa”, bà Chẻm, vợ ông Hiển tâm tư.