Vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra hành chính vũ trường thuộc Công ty Cổ phần dịch vụ tư vấn giải trí Đại Dương (ở số 84 đường Hùng Vương, quận 5, TP HCM).
Sau khi đưa 51 người về trụ sở, theo xác định, có 25 người dương tính với chất ma túy, 17 nam và 8 nữ. Riêng vũ trường Đại Dương bị lập biên bản nhiều lỗi như: hoạt động quá giờ quy định, nhân viên không có hợp đồng lao động, không xuất trình giấy phép bán rượu trên 30 độ, buông lỏng quản lý để người khác sử dụng ma tuý trong tụ điểm kinh doanh….
|
Đột kích vũ trường Đại Dương vào rạng sáng ngày 3/9. |
Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư TP Hà Nội), với những sai phạm kể trên, vũ trường Đại Dương sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, để đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực, pháp luật đã quy định về thời giờ hoạt động của các quán bar, vũ trường. Theo khoản 9 của điều 27, Nghị định 103/2009 của chính phủ thì Các cơ sở kinh doanh quán bar phải tuân thủ thời giờ hoạt động, cấm hoạt động từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau:
“Điều 27. Trách nhiệm của chủ kinh doanh vũ trường
9. Không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Quy chế này.”
Tại khoản 2 của điều 37 Nghị định 103/2009/NĐ-CP được dẫn chiếu quy định về quy chế hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, quầy bar trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.
Quy chiếu vào sự việc và giấy phép kinh doanh thì vũ trường Đại Dương hoàn toàn chưa được xếp hạng 3 sao trở lên. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra hành chính, bên trong vũ trường vẫn hoạt động bình thường với hàng trăm người đang hoạt động bên trong.
Từ trên ta có thể thấy, vũ trường Đại Dương hoàn toàn vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vũ trường. điều này pháp luật hoàn toàn nghiêm cấm và đã có chế tài xử phạt.
Tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định như sau:
“Điều 19. Vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
b) Hoạt động karaoke, quầy bar và các hình thức vui chơi giải trí khác quá giờ được phép.”
Như vậy, với hành vi hoạt động quá giờ của mình, vũ trường Đại Dương sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
|
Ma túy được tìm thấy trong vũ trường. |
Thứ hai, lực lượng chức năng đã phát hiện nhân viên của vũ trường không có hợp đồng lao động, đây là hành vi vi phạm pháp luật lao động của vũ trường Đại Dương.
"Bộ luật lao động của nước ta đã quy định rõ về việc các đơn vị sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động với người lao động. Việc không ký hợp đồng lao động với nhân viên phục vụ của vũ trường Đại Dương sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 điều 5 của nghị định 95/2013 của chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" - chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải nói.
Cụ thể theo Điều 5 về Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Tuy nhiên, do đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có con số chính xác số lượng nhân viên không được vũ trường Đại Dương ký hợp đồng lao động nên không thể xác định rõ khung xử phạt hành chính về hành vi vi phạm này.
|
Tại thời điểm kiểm tra, vũ trường Đại Dương không có hợp đồng lao động đối với nhân viên. |
Thứ ba, vũ trường Đại Dương bị phát hiện đang kinh doanh một số loại rượu có nồng độ cao (trên 15 độ) nhưng không có giấy phép. Điều này cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2015 sửa đổi điều 7 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng., với số tiền lên đến 10 triệu đồng:
“4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh mà không có Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh theo quy định”.
Thứ tư, với 25 người gồm 17 nam và 8 nữ dương tính với chất ma túy, chủ vũ trường Đại Dương có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội này nếu cơ quan điều xa có đủ căn cứ chứng minh. Then chốt của việc xác định mức độ vi phạm pháp luật của hành vi phụ thuộc vào việc 25 người này đã sử dụng ma túy trước hay sau khi vào vũ trường.
Nếu sử dụng bên ngoài rồi mới vào thì chủ vũ trường Đại Dương không phải chịu trách nhiệm.
Nếu khách đến quán, sử dụng ma túy nhưng chủ quán không biết thì chủ quán có thể bị xử phạt hành chính vì để người khác lợi dụng sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực mình quản lý theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình với số tiền phạt có thể lên tới 10 triệu đồng:
“Điều 21. Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện mình quản lý;”
Tuy nhiên, nếu chủ quán biết việc khách hàng sử dụng ma túy mà không có động thái ngăn cản, từ chối phục vụ để khách hàng dùng địa điểm quán bar cho việc sử dụng ma túy, hoặc tổ chức cho người khác sử dụng ma túy, thì có dấu hiệu của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có thể bị phạt lên đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
"Dưới góc nhìn khác, mặc dù pháp luật đã quy định rất cụ thể về hành vi, mức xử phạt đối với hoạt động kinh doanh vũ trường, các cơ quan chức năng cũng luôn đề cao trách nhiệm, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc kiểm tra và xử phạt các đơn vị, tổ chức vi phạm; song, do tính đặc thù và lợi nhuận lớn hơn gấp nhiều lần so với mức xử phạt nên dường như tại lĩnh vực này, pháp luật vẫn chưa đủ tính nghiêm khắc, răn đe.
Vì vậy, ngoài việc nghiêm trị, đã đến lúc Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về vấn đề này. Có như vậy, pháp luật mới được thượng tôn, những kẻ xấu từ đó mà run sợ không dám làm trái quy định của pháp luật và xã hội nhờ vậy mà an bình, ổn định, đảm bảo cho kinh tế phát triển vững bền" - chuyên gia pháp lý khép lại.
>>> Xem thêm: Triệt phá tụ điểm ăn chơi lớn nhất Hải Phòng