Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đã bàn giao Bùi Văn Triệu (18 tuổi, ở huyện Chương Mỹ) cùng 7 người khác cho Cơ quan điều tra Quân đoàn 1 (Bộ Quốc phòng) để điều tra về cái chết của một quân nhân trên địa bàn.
Theo cơ quan chức năng, giữa Triệu và anh T.L. (19 tuổi) xảy ra mâu thuẫn. Rạng sáng 24/10, Triệu cùng 7 người khác đi ôtô ép xe máy của anh L. dừng bên lề đường rồi tấn công quân nhân này bằng hung khí. Tối cùng ngày, nạn nhân tử vong.
Nhiều người đặt câu hỏi về việc tại sao cơ quan công an không thụ lý, điều tra vụ việc. Và với hành vi này, nhóm thanh niên sẽ phạm tội danh nào theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền giải quyết thuộc đơn vị nào?
Giải thích về vấn đề đầu tiên, luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên điều tra viên cao cấp Bộ Quốc phòng) cho biết việc xử lý vi phạm được chia làm 3 lĩnh vực cơ bản.
Nếu vụ việc thuộc lĩnh vực dân sự, công an, VKSND và TAND sẽ là những đơn vị có thẩm quyền xử lý. Đối với vụ việc có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, đơn vị giải quyết là cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao và TAND Tối cao.
Hệ thống cơ quan điều tra thuộc quân đội, VKS quân sự và tòa án quân sự sẽ tiếp nhận, xử lý những vụ việc liên quan tới quân đội. Điều này được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
|
Luật sư Hoàng Ngọc Biên. Ảnh: D.H. |
Cụ thể, Điều 272 Bộ luật này quy định tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân, người thuộc quân đội quản lý hoặc những vụ án mà bị cáo không thuộc người trong quân đội nhưng liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân, những người thuộc quân đội quản lý.
Cơ quan điều tra thuộc quân đội có trách nhiệm điều tra còn VKS quân sự cùng cấp thực hành quyền công tố. Các cơ quan tố tụng của quân đội sẽ được phân thành 3 cấp là cấp trung ương, cấp quân khu và cấp khu vực.
"Thông thường, nếu cơ quan điều tra quân đội tiếp cận được vụ việc, họ sẽ trực tiếp khám nghiệm hiện trường, thực hiện điều tra. Nếu nguồn tin ban đầu do công an tiếp nhận, sau đó xác định sự việc liên quan tới quân nhân, cơ quan công an sẽ chuyển hồ sơ cho phía quân đội giải quyết. Quân nhân thuộc quân đoàn nào thì vụ việc liên quan tới họ sẽ do quân đoàn đó xử lý. Bởi vậy, việc Công an huyện Chương Mỹ chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra Quân đoàn 1 là đúng quy định", luật sư phân tích.
Do Quân đoàn 1 không có VKS Quân sự và đơn vị này thuộc Quân khu 3 nên sau khi hoàn tất quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp, cụ thể là VKS Quân sự khu vực trực thuộc VKS Quân sự Quân khu 3 để thực hiện quyền truy tố. Thẩm quyền xét xử sau đó sẽ thuộc về Tòa án Quân sự khu vực trực thuộc Tòa án Quân sự Quân khu 3.
Các nghi phạm có thể phạm tội gì?
Nhìn nhận sự việc, luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) đánh giá cần xem xét kỹ về ý thức chủ quan, động cơ và mục đích đánh người của Triệu cùng các nghi phạm. Đó là cơ sở để xác định tội danh phù hợp dành cho nhóm thanh niên này.
Về ý thức chủ quan, cần làm rõ anh L. đã bị hành hung ra sao, cách thức tấn công của 8 nghi phạm như thế nào. Họ ra đòn có nhằm vào các vị trí nguy hiểm, trọng yếu, có nguy cơ cao dẫn tới tử vong không. Ngoài ra, nhóm này có ý thức được hậu quả chết người mà hành vi của mình có thể để lại không?
Về động cơ, cần xác định mục đích đánh người của Triệu cùng 7 nghi phạm là gì. Họ đánh người chỉ để dằn mặt, cố ý gây thương tích hay muốn đánh chết người?
Về mức độ của hành vi, cần làm rõ tần suất ra đòn, độ mạnh và độ hiểm của đòn đánh. Cần lưu ý đây là những thanh niên ở độ tuổi khỏe mạnh nên dù không chủ định gây chết người, họ vẫn phải ý thức được hậu quả mà hành vi tấn công của mình có thể gây ra.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần xác định việc nhóm nghi phạm có sử dụng hung khí để đánh người không. Nếu có, đó là vũ khí gì? Đây cũng là một yếu tố quan trọng để xác định tội danh và tình tiết định khung phù hợp cho Triệu cùng 7 nghi phạm.
Từ những yếu tố này, nếu xác định việc nhóm thanh niên hành hung quân nhân L. nhằm cố ý gây thương tích, không lường trước và không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, họ có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung Làm chết người theo Điểm a, Khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, nhóm này còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất côn đồ theo Điều 52 Bộ luật này. Mức án cao nhất nhóm nghi phạm phải đối mặt ở tội danh này là 14 năm tù.
Trường hợp xác định họ tấn công nhằm tước đoạt tính mạng anh L., nhận thức rõ mức độ, hậu quả mà hành vi có thể gây ra nhưng vẫn thực hiện, nhóm thanh niên này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Với tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ, khung hình phạt áp dụng sẽ là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.