Mới đây, ngày 5/11, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, ngày 4/11, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà quyết định miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật đối với ông Nguyễn Văn Tốn. Đồng thời Công ty nước sạch sông Đà cũng bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc mới là ông Nguyễn Xuân Quý.
Nguyên nhân việc miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Tốn của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà chưa được công bố. Nhưng với vai trò Tổng Giám đốc công ty CP nước sạch Sông Đà ở thời điểm xảy ra vụ việc ông Nguyễn Văn Tốn cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm.
|
Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà nơi cung cấp chất thải cho các đối tượng xả thải gây ô nhiễm nước sông Đà. |
Thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Văn Tốn đã bị mất chức, dư luận đặt câu hỏi về việc xử lý thế nào đối với bà Nguyễn Thị Huyền Trang, con gái Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Thanh Hà khi thuê Lý Đình Vũ xử lý dầu thải cho công ty?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, trong trường hợp bà Nguyễn Thị Huyền Trang cố ý thuê đối tượng Lý Đình Vũ xử lý lượng dầu thải nguy hại bằng cách đổ ra khu vực đầu vào nhà máy nước sạch sông Đà thì sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất về tội gây ô nhiễm môi trường.
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Liên quan vụ việc trên, tại biên bản buổi làm việc với đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an ngày 19/10 xác định: Tháng 9/2019, Lý Đình Vũ liên lạc với chị Nguyễn Thị Huyền Trang để đề xuất việc xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được người phụ nữ này đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, Trang sẽ phải trả cho Vũ tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.
Đến sáng 7/10, khi Vũ đến Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà để thu mua dầu thải thì Trang đi vắng. Sau khi Vũ gọi điện, Trang cho biết đã giao lại cho ông Trần Thành Trung thay mình bán dầu thải. Khoảng 8 giờ cùng ngày, Nguyễn Chương Đại điều khiển xe tải mang BKS 99C-087.83 vào công ty để thu gom dầu. Đi cùng xe của Đại còn có Thám.
Nhóm người này đã sử dụng bơm có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 bồn chứa và các thùng dầu còn lại. Sau khi thu gom xong, trọng lượng dầu thải trên xe mà Vũ đã thu mua khoảng 8.830 kg.
Làm việc với cơ quan công an, ông Trần Thành Trung thừa nhận hành vi vi phạm trong quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại (là dầu thải) theo quy định. Công ty đã không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận dầu thải trước khi chuyển giao.
Ngày 23/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, bắt tạm giam Lý Đình Vũ (37 tuổi), Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi) về tội Gây ô nhiễm môi trường, theo Khoản 2, Điều 235 Bộ Luật Hình sự. Các quyết định tố tụng đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Video: Tạm giữ 2 nghi phạm đổ dầu thải vào nước sông Đà
Quá trình điều tra, Lý Đình Vũ khai nhận, Vũ quen Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi, con gái Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở tỉnh Phú Thọ. Trong một lần trò chuyện, Trang nói công ty này có chất thải là dầu cặn nên muốn thuê Vũ đi đổ giúp với giá 7 triệu đồng.
Sau khi nhận lời, ngày 6/10, Vũ thuê Đại và Thám đi xe tải từ Bắc Ninh đến công ty trên để bơm dầu thải vào 10 thùng có tổng dung tích khoảng 10 m3. Sau đó, 2 người này di chuyển hơn 110 km về Công ty cơ khí cao su K90 ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để gửi xe. Ngày 8/10, Vũ cùng đồng phạm đi 2 ôtô đến khu vực vắng người ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để đổ dầu thải.
Một ngày sau, người dân địa phương phát hiện việc đổ trộm dầu thải. Qua kiểm tra và điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình xác định dầu thải chảy vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.