Trong tuần qua, thông tin việc cô gái bị chủ tiệm ăn bắt quỳ gối xin lỗi vì chê đồ ăn đã nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.
Trước đó, tối 17/8, cô gái này cùng bạn đến một quán ăn ở TP Bắc Ninh ăn lòng nướng. Trong lúc ăn thì phát hiện món ăn có vấn đề nên phản ánh với quán. Tuy nhiên, nhân viên và chủ quán không nói gì. Do bức xúc, cô gái này đã đăng tải vụ việc này lên Facebook cá nhân.
Cho rằng cô gái phản ánh không đúng sự thật nên tối 18/8, chủ quán đã cho người đưa cô gái này về quán để bắt xin lỗi và đe dọa. Đoạn clip chủ quán bắt cô gái quỳ với những lời lẽ chửi bới được cư dân mạng chia sẻ nhanh chóng trên các diễn đàn.
Tối 19-8, lãnh đạo Công an TP Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ quán về tội làm nhục người khác.
Từ câu chuyện trên, nhiều bạn đọc thắc mắc nếu xảy ra tình huống tương tự thì cả chủ quán và khách hàng phải làm sao để không vi phạm pháp luật và bảo vệ được quyền lợi cho mình.
|
Cô gái bị chủ tiệm bắt quỳ gối xin lỗi vì đăng thông tin chê đồ ăn của quán lên Facebook. Ảnh: FB |
Coi thường thực khách nên nghỉ kinh doanh
Bạn đọc Đào Huy Hoàng bình luận: “Nguyên tắc của kinh doanh là coi khách hàng như thượng đế, vậy mà ông chủ quán này lại hành xử theo kiểu giang hồ. Lý ra khi khách hàng phản ánh thì phải tiếp thu, rút kinh nghiệm, xin lỗi để kiểm tra... Thậm chí phải miễn phí món nào đó, dù giá trị ít nhưng cũng làm khách vui vẻ. Đằng này khi khách hàng bức xúc, đăng tải lên mạng xã hội thì lại cho người bắt quỳ xin lỗi. Người làm kinh doanh không có lương tâm thì nên bỏ nghề. Vụ này đề nghị cơ quan công an phải xử mạnh tay để làm gương”.
“Tôi không biết việc cô gái này đăng tải thông tin về quán này lên mạng là đúng luật hay không nhưng trước mắt thấy hành vi của chủ quán là không chấp nhận được. Thấy thái độ phục vụ, món ăn không chất lượng thì khách có quyền góp ý chứ. Tôi thấy lỗi phần nhiều là do cách hành xử quá đà của chủ quán, bất chấp pháp luật” - bạn đọc Thái Hòa nêu ý kiến.
Bạn đọc Nguyễn Tùng bình luận: “Tôi cũng là chủ một nhà hàng, trong quá trình kinh doanh vẫn thường gặp một số chiêu trò của đối thủ để cạnh tranh. Sợ nhất là chiêu trò đóng vai khách hàng đến quán ăn uống rồi làm khó nhân viên, chủ quán đủ thứ. Thời buổi bây giờ, hở một chút là quay phim quăng lên mạng. Làm như vậy thì có chết chủ quán không. Nếu không hài lòng món ăn, thái độ phục vụ thì nên hỏi gặp quản lý, chủ quán để trao đổi sẽ tốt hơn.
Tự xử theo cảm tính, gây hậu quả đáng tiếc
Trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích khi vào ăn tại quán, cô gái phát hiện thức ăn có vật lạ nên trao đổi với chủ quán nhưng không được giải quyết. Sau đó cô gái đã đăng thông tin lên Facebook. Chủ quán biết được đã tìm cô gái yêu cầu gỡ thông tin, bắt quỳ gối xin lỗi và có những lời lẽ, hành động đe dọa cô gái.
Hành vi của chủ quán vi phạm pháp luật đã quá rõ nên đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam. Tới đây, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để tránh những hệ lụy không hay xảy ra đối với các trường hợp tương tự, thực khách và chủ quán cần có thiện chí, góp ý cho nhau trên tinh thần xây dựng.
Khi phát hiện thức ăn có vấn đề, cô gái báo cho chủ quán hoặc người quản lý và phía nhà hàng cũng nên thể hiện sự cầu thị, xin lỗi, sửa chữa và bồi thường thiệt hại thì mọi chuyện ồn ào sẽ không xảy ra.
Trường hợp quán không có thiện chí hợp tác, khách hàng có thể báo cho cơ quan quản lý tại địa phương hoặc UBND cấp phường, xã để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu nhà hàng, quán ăn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt theo quy định về an toàn thực phẩm.
Cũng theo luật sư Hoan, ngược lại phía chủ quán khi phát hiện người đăng thông tin không đúng về việc kinh doanh của mình thì cũng nên tìm hiểu và đề nghị rút lại những thông tin không đúng sự thật.
Nếu người đăng thông tin không đúng sự thật không hợp tác thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Nghị định 15/2020.
Cụ thể, đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân thì mức phạt lên đến 30 triệu đồng.
“Như vậy, khi gặp các tình huống tương tự thì mọi người nên bình tĩnh, tìm hiểu đúng bản chất vụ việc để có cách ứng xử cho phù hợp với quy định của pháp luật. Tránh tình trạng khi chưa nắm rõ nội dung đã hành xử không đúng chuẩn mực, đạo đức xã hội để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc” - luật sư Hoan nói.
Cách cài đặt ứng dụng Bluezone
Bước 1: Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này. Truy cập App Store (iOS) hoặc Google Play Store (Android) và tìm phần mềm tên Bluezone, sau đó nhấn tải về và cài đặt vào thiết bị.
Bước 2: Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng truy cập.
Bước 3: Về cơ bản, chỉ cần làm đến đây là các bạn đã có thể nhận được cảnh báo từ Bluezone.
Sau khi được cấp quyền, ứng dụng sẽ tự bật kết nối Bluetooth để ghi nhận lại việc tiếp xúc với những người dùng khác cùng trong cộng đồng Bluezone.
Trong trường hợp một người dùng trong cộng đồng Bluezone dương tính với COVID-19, thông tin của họ sẽ được cập nhật lên hệ thống. Lúc này, ứng dụng trên máy người dùng sẽ tải về các thông tin đó và so sánh với lịch sử tiếp xúc của bạn. Nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh đủ lâu (trên 15 phút) và đủ gần (dưới 2 mét), ứng dụng sẽ gửi thông tin cảnh báo nguy cơ mắc COVID tới điện thoại của bạn.