Liên quan vụ việc chị Đ.T.N.A. (28 tuổi, ngụ Hà Nội) tố Thẩm mỹ viện Sophie International (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) và Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS (quận 10, TP.HCM) hút mỡ bụng khi mình đang mang thai 4 tuần, bác sĩ được xác định trực tiếp phẫu thuật là Đinh Viết Hưng (44 tuổi, quê Nghệ An, ngụ TP.HCM). Trước đó, ngày 17/10, cũng tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS, bác sĩ Đinh Viết Hưng thực hiện ca đặt túi ngực khiến một phụ nữ 33 tuổi tử vong sau 5 giờ phẫu thuật.
Đáng chú ý, Sở Y tế Đồng Nai, nơi cấp phép chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ cho bác sĩ Đinh Viết Hưng (49 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) khẳng định chứng chỉ của bác sĩ này là giả mạo.
Dư luận đặt câu hỏi, Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS dùng bác sĩ sử dụng chứng chỉ hành nghề giả mạo, thực hiện phẫu thuật dẫn đến chết người sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vụ việc nâng ngực khiến nạn nhân tử vòng có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh và việc bác sĩ Hưng dùng chứng chỉ hành nghề giả có dấu hiệu tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.
|
Giấy phép hoạt động hành nghề của ông Đinh Viết Hưng do Sở Y tế TP.HCM cấp là khám chữa bệnh chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Ảnh: Phunuonline. |
Hoạt động dịch vụ y tế bao gồm dịch vụ khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý của nhà nước theo luật khám chữa bệnh và các văn bản khác có liên quan. Hoạt động dịch vụ thẩm mỹ có can thiệp bằng phẫu thuật, các thủ thuật xâm lấn bằng các dụng cụ, thiết bị y tế thì bắt buộc phải được thực hiện bởi cơ sở hành nghề y tế và bác sĩ đúng chuyên môn.
Để hoạt động trong lĩnh vực y tế thì bác sĩ phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực nào thì chỉ được hoạt động trong lĩnh vực đó.
Theo đó, chứng chỉ hành nghề y làm giấy phép đủ điều kiện để hành nghề đối với lĩnh vực y tế có sự quản lý của nhà nước, chứng chỉ này do Sở y tế cấp.
Đối với bác sĩ Đinh Viết Hưng trong vụ việc nâng ngực khiến nạn nhân tử vong thì Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan cấp giấy này chứng chỉ này cho bác sĩ Hưng. Tuy nhiên, chiều ngày 1/11, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản trả lời, khẳng định giấy phép hành nghề thẩm mỹ này của bác sĩ Đinh Viết Hưng là hoàn toàn giả mạo. Sở này cũng không cấp bất kỳ một quyết định bổ sung nào cho bác sĩ Hưng.
Vụ việc khám, chữa bệnh, thực hiện dịch vụ thẩm mỹ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng (chết người) thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định pháp luật.
Trong quá trình xác minh tin báo, nếu có căn cứ cho thấy Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS đã sử dụng bác sĩ không đúng chuyên môn để thực hiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ hoặc không đủ điều kiện để hoạt động lĩnh vực này thì đây là hành vi vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Trong trường hợp này, những người có chức trách, nhiệm vụ và bác sĩ trực tiếp thực hiện dịch vụ này sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh và có thể thêm tội các tội danh khác về chức vụ đối với những người có chức vụ ...
Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác như sau: 1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 5 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy, cơ sở y tế này đã sử dụng bác sĩ không đúng chuyên môn, không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp hoặc có những vi phạm khác về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, pha chế, cấp phát thuốc gây hậu quả chết người thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 315 bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu giữ bằng cấp, chứng chỉ của bác sĩ Hưng để tiến hành giám định con dấu, chữ ký trong các bằng cấp, chứng chỉ này nhằm xác định bằng cấp, chứng chỉ này là thật hay giả do thông tin từ Sở y tế nêu trên.
Trong trường hợp, kết quả giám định kĩ thuật hình sự cho thấy bằng cấp, chứng chỉ mà bác sĩ Hưng sử dụng là tài liệu giả thì người làm, cấp giấy tờ giả và bác sĩ Hưng biết rõ là giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng thì những người vi phạm đều sẽ bị xử lý về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;...
“Vụ việc vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây hậu quả chết người là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành y tế và nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Bởi vậy cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ để xử lý cơ sở y tế này theo quy định pháp luật, đồng thời cần tổ chức kiểm tra rà soát tất cả các đơn vị thực hiện hoạt động thẩm mỹ, làm đẹp để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.