Hành trình lưu lạc
Chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1974, ngụ khối Thịnh Mỹ, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) là con út trong một gia đình nghèo khó, có 4 anh chị em. Nhà nghèo khó, bố lại ốm đau thường xuyên, người anh trai lại không nhanh nhẹn, toàn bộ kinh tế gia đình đổ dồn lên vai mẹ Hạnh.
Thấu hiểu được nỗi khổ, vất vả của mẹ, khi chưa đủ lớn, chị Hạnh đã đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Ai thuê gặt lúa, cuốc đất, chặt mía chị đều nhận lời. Số tiền ít ỏi kiếm được chị lại gửi mẹ để lo trang trải cuộc sống, thuốc thang cho cha.
|
Cụ Mùi đau đớn cho biết con gái mất tích đã 22 năm. ẢNH: H.D |
Khi mới 22 tuổi, bạn bè cùng lứa lần lượt yên bề gia thất, chị Hạnh lại xin phép cha mẹ ra Thanh Hóa làm thuê. Chị hứa hẹn một năm nữa, khi cha bớt đau, mẹ đỡ vất vả sẽ nghĩ đến chuyện lập gia đình. “Năm 1996, con tôi nói có người rủ ra Thanh Hóa làm giúp việc cho một quán ăn bình dân với mức lương cao gấp đôi so với ở nhà, công việc lại ổn định. Nó nói muốn kiếm tiền thuốc thang cho cha và trả bớt khoản nợ đã vay mượn trước đó để đưa cha đi viện nên vợ chồng tôi đồng ý để con đi. Trước đó, khi vợ chồng tôi hối thúc chuyện cưới xin, con tôi nói nhìn cha mẹ vất vả nên chưa yên tâm để nghĩ đến việc lấy chồng. Nào ngờ, nó đi mãi đến tận bây giờ chưa về", bà Nguyễn Thị Mùi (80 tuổi, mẹ chị Hạnh) kể lại trong nước mắt.
Sau 10 ngày chị Hạnh khăn gói ra đi vẫn không thấy liên lạc về nhà, vợ chồng bà Mùi nghi ngờ có chuyện chẳng lành nên đã nhờ người thân đi tìm kiếm. Thế nhưng, họ buồn bã, thất vọng khi ai nấy đầu lắc đầu không biết.
Nửa năm tìm kiếm trong tuyệt vọng, có người nói chị Hạnh đã chết, cũng có người nói chị bị kẻ xấu lợi dụng, lừa bán sang Trung Quốc. Vợ chồng bà Mùi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, hi vọng con gái còn sống. Họ cầu mong con sẽ được bình an dù ở bất cứ nơi đâu.
Theo bà Mùi, 8 năm sau khi nỗi đau dần nguôi ngoai thì họ vỡ òa hạnh phúc khi nhận được bức thư của con gái gửi về từ Trung Quốc. "Trong thư, con gái tôi cho biết vì quá nhẹ dạ, tin lời hứa của hai người phụ nữ lạ ra Thanh Hóa làm giúp việc nhưng không ngờ lại bị đưa sang Trung Quốc. Con tôi bị bán làm vợ một người đàn ông bản địa nhiều hơn gần chục tuổi tại tỉnh Quảng Tây. Người chồng làm nghề lái xe. Thời gian đầu nó bị nhà chồng giam lỏng, đi đâu, làm gì cũng có người theo sát bên cạnh. Sợ con gái tôi trốn, nhà chồng không cho tiếp xúc bên ngoài hay sử dụng điện thoại. Sau 8 năm chung sống, sinh được hai đứa con thì khi đó con tôi mới không bị nhà chồng quản thúc như trước, mới dám viết thư về thông báo cho gia đình. Vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết con vẫn còn sống", bà Mùi nói.
Lần theo địa chỉ có trong lá thư, vợ chồng bà Mùi đã viết thư hồi âm cho con gái. Tuy nhiên, sau 3 lá thư gửi về, chị Hạnh lại mất tích. Dù gia đình gửi thêm hàng chục lá thư qua bên đó nhưng vẫn không có hồi âm.
Lo sợ con gặp chuyện chẳng lành, vợ chồng bà Mùi quyết định bán tài sản duy nhất là mảnh đất nhỏ sát cạnh nhà để lấy tiền làm lộ phí nhờ người thân qua Trung Quốc tìm kiếm con với hi vọng sẽ đưa được chị Hạnh trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, những đồng tiền bán đất cạn dần mà tin tức con gái vẫn không thấy đâu. Không còn khả năng vay mượn để tiếp tục tìm kiếm, họ đành chấp nhận trở về tiếp tục chờ đợi, hi vọng.
Nỗi đau mất con
|
Lá thư từ Trung Quốc gửi về của chị Hạnh cho biết việc mình bị lừa bán. |
Suốt 22 năm trôi qua cũng là chừng ấy thời gian vợ chồng bà Mùi chưa một lần có giấc ngủ yên. Họ không thôi day dứt, cho rằng con gái vì thương cha mẹ nên mới gặp họa.
"Chỉ vì tôi suốt ngày ốm đau không thể làm gì. Chỉ vì lo thuốc thang, chữa bệnh cho tôi nên con gái mới xin đi làm ăn xa rồi mất tích từ đó. Chỉ vì con tôi nhẹ dạ, tin lời người xấu nên sống cảnh lưu lạc hàng chục năm. Một mình nơi đất khách quê người chắc con sống khổ sở lắm. 22 năm qua tôi vẫn đợi, vẫn hi vọng và luôn day dứt", ông Nguyễn Viết Sinh (83 tuổi, bố chị Hạnh) nói.
Thời gian trôi qua, những người anh, người chị của chị Hạnh lần lượt yên bề gia thất. Căn nhà nhỏ chỉ còn lại cặp vợ chồng già sớm tối thui thủi bên nhau. 4 năm trước, sau một cơn tai biến, ông Sinh nằm liệt giường từ đó đến giờ. Cuộc sống của cặp vợ chồng già phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền 405.000 đồng/ tháng của ông Sinh cùng sự đùm bọc, sẻ chia của anh em họ hàng, bà con lối xóm.
"Cứ mỗi lần nghe ai đó nói từ Trung Quốc trở về, tôi lại lặn lội tìm đến để hỏi thăm xem có biết gì về tin tức con gái tôi không. Tôi đã photocopy những lá thư của con gái gửi thành nhiều bản, cả tấm ảnh duy nhất của con gửi về để nhờ họ sang bên đó tìm cách liên lạc nhưng cũng không có tin tức gì. Mỗi lần đọc báo hoặc xem tin tức trên ti vi nói về nạn buôn người, tôi lại rùng mình lo sợ. Không biết con gái tôi giờ đang ở phương nào, còn sống nữa không. Con có được bình yên không. Liệu khi con ốm đau, bệnh tật có ai chăm sóc, chỉ luẩn quẩn mấy câu hỏi đó thôi, tôi đã đau đớn lắm rồi", bà Mùi khóc nghẹn.
Ở những ngày tháng cuối cuộc đời, vợ chồng bà Mùi vẫn không thôi day dứt, hối hận. “Giá như ngày đó vợ chồng tôi không chấp nhận cho con gái đi làm xa thì đã không mất con như thế này. Tôi sẽ cố gắng sống để đợi ngày con trở về. Con chưa về tôi làm sao có thể yên lòng nhắm mắt được đây", cầm lá thư của con gái trên tay, đôi mắt bà Mùi rưng rưng lệ.