Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt ngày càng cạn kiệt trong khi theo tính toán của Bộ Công Thương, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu hụt khoảng 100 tỷ kWh và tới năm 2030 thiếu khoảng 300 tỷ kWh.
Theo ông Ngãi, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tính toán để khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng các nguồn năng lượng trong nước có thể khai thác. Số liệu nghiên cứu của các cơ quan chức năng cho thấy, hiện vẫn còn nhiều nguồn tiềm năng tài nguyên ở trong nước có thể khai thác một cách hiệu quả như: các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối ...
|
Ảnh: Các dự án thủy điện nhỏ ở nhiều địa phương đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng |
“Chúng ta vẫn cần phải xem xét lại trong số các dự án thủy điện nhỏ và vừa có hiệu quả kinh tế, có công suất điện khá để tiếp tục đầu tư xây dựng nhằm cung cấp điện cho các địa phương, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, giảm bớt gánh nặng cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, các thủy điện nhỏ và vừa này cần đảm bảo quy trình lập đề án, tổ chức xây dựng, hạn chế tối đa phá hoại rừng và cần phải có quy trình chặt chẽ trong xây dựng cũng như vận hành hồ chứa”, ông Ngãi phân tích.
Cũng theo ông Ngãi, theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu cho khai thác thêm khoảng 300 - 400 dự án thủy điện nhỏ và vừa nữa, thì tổng công suất của nguồn thủy điện mới khai thác này sẽ đạt được từ 3.000MW đến 4.000MW bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, hằng năm cung cấp được khoảng 20 tỷ kWh điện, góp phần bổ sung điện năng thiếu hụt trong các năm tới cho đất nước. Vì vậy, chúng ta cần khai thác các tiềm năng sẵn có này một cách hiệu quả, không để lãng phí.
Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian gần đây nhiều ý kiến cho rằng tại sao ko thay thế điện gió, điện mặt trời mà cứ tập trung vào thủy điện. Tuy nhiên, thực tế năng lượng tái tạo chỉ đủ cung cấp thêm cho nguồn điện chứ không thể thay thế được các nguồn phát khác. Khi không có nắng, không có gió là phải dùng năng lượng dự trữ hoặc các nguồn năng lượng khác như nhiệt điện than, thủy điện để phát điện.
“Thời gian qua, chúng ta đã loại khỏi quy hoạch nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa các dự án này không thể triển khai trong tương lai khi công nghệ phát triển hơn”, ông Thực nói.
Cần nhìn nhận đúng vai trò của thủy điện nhỏ và vừa là quan điểm của ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng khi cho rằng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp địa phương cải thiện cơ sở hạ tầng ở khu vực vùng sâu vùng xa. Địa phương cũng tận dụng được hạ tầng đường xá của các công trình thủy điện để thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.
Theo ông Thế, Lâm Đồng có 17 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động. Các dự án đang triển khai và sẽ đi vào vận hành khai thác từ nay đến 2020 có 11 dự án. Đến nay, các chủ dự án nhìn chung chấp hành các quy định. “Qua đánh giá của sở công thương, dưới góc độ kỹ thuật, có thể khẳng định thủy điện không gây ra lũ lụt. Từ khi đưa vào vận hành một số thủy điện như Đại Ninh, Đồng Nai 1, 2, 3, 4 việc chống hạn đã mang lại hiệu quả tích cực và hạn chế những ngập lụt. Bên cạnh đó, các thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã đóng góp ngân sách khá lớn cho địa phương. Nhiều hồ thủy điện tạo ra hồ nuôi trồng thủy sản, tạo thêm diện tích làm điện mặt trời, tiết kiệm diện tích đất”, ông Thế cho hay.
Phó vụ trưởng Vụ Thủy điện, Bộ Công Thương, ông Phan Duy Phú cho rằng, xét về mặt kinh tế - xã hội, thủy điện nhỏ và vừa là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và cần được khai thác hợp lý. Để phát triển thủy điện nhỏ và vừa một cách bền vững, theo ông Phú, cần tăng cường phối hợp giữa các bộ ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng, vận hành và khai thác trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng với việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, giữa yêu cầu phát triển kinh tế và môi trường.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các dự án thủy điện nhỏ ở nhiều địa phương đã có những tác động tích cực trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì điều hòa dòng chảy về hạ du vào mùa kiệt, phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất, đẩy mặn. Nhiều dự án sau khi đi vào vận hành đã trồng lại rừng, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, giúp phát triển kinh tế ở những nơi có thủy điện và đặc biệt là đã đóng góp rất lớn vào ngân sách cho các địa phương. Bên cạnh đó, việc xả lũ, cấp nước hạ du đảm bảo sản xuất nông nghiệp, và điều tiết lũ mùa mưa bão đã được các chủ đầu tư dự án thủy điện thực hiện theo đúng quy trình được cấp có thẩm quyền ban hành.